SGK GDCD 12 - Bài 2: Thực hiện pháp luật

  • Bài 2: Thực hiện pháp luật trang 1
  • Bài 2: Thực hiện pháp luật trang 2
  • Bài 2: Thực hiện pháp luật trang 3
  • Bài 2: Thực hiện pháp luật trang 4
  • Bài 2: Thực hiện pháp luật trang 5
  • Bài 2: Thực hiện pháp luật trang 6
  • Bài 2: Thực hiện pháp luật trang 7
  • Bài 2: Thực hiện pháp luật trang 8
  • Bài 2: Thực hiện pháp luật trang 9
  • Bài 2: Thực hiện pháp luật trang 10
  • Bài 2: Thực hiện pháp luật trang 11
Bài 2
THỰC HIỆN PHÁP LUẬT
-MỞ ĐẦU BÀI HỌC
Pháp luật là phương tiện quản lí của Nhà nước, là phương tiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Câu hỏi đặt ra là: Nhà nước và công dân sử dụng phương tiện pháp luật như thế nào ? Các quy định trong luật, bộ luật đi vào đời sống hằng ngày của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức theo cách thức nào ?
Học xong bài này, học sinh cần :
— Nêu được khái niệm thực hiện pháp luật, các hình thức và các giai đoạn thực hiện pháp luật.
— Hiểu được thế nào là vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lí; các loại vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lí.
— Biết cách thực hiện pháp luật phù hợp với lứa tuổi.
— Có thái độ tôn trọng pháp luật, ủng hộ những hành vi thực hiện đúng pháp luật và phê phán những hành vi làm trái quy định của pháp luật.
- NỘI DUNG BÀI HỌC
Khái niệm, các hình thức và các giai đoạn thực hiện pháp luật
Khái niệm thực hiện pháp luật
Pháp luật được ban hành để hướng dẫn hành vi, điều chỉnh cách xử sự của mỗi cá nhân, tổ chức theo các quy tắc, cách thức phù hợp với yêu cầu của Nhà nước. Điều đó có nghĩa là, pháp luật chỉ thật sự đi vào đời sống nếu mỗi cá nhân, tổ chức khi tham gia vào các quan hệ xã hội cụ thể, trong các hoàn cảrih, điều kiện cụ thể đều lựa chọn cách xử sự phù hợp với quy định của pháp luật.
Ví dụ :
Trên đường phố, mọi người đi xe đạp, xe máy, ô tô tự giác dừng lại đúng nơi quy định, không vượt qua ngã ba, ngã tư khi có tín hiệu đèn đỏ. Đó là việc các công dân thực hiện pháp luật giao thông đường bộ.
Ba thanh niên đèo (chở) nhau trên một xe máy bị cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe, lập biên bản phạt tiền. Đó là việc cảnh sát giao thông áp dụng pháp luật để xử lí hành vi vi phạm pháp luật giao thông của các công dân.
Trong hai ví dụ trên, việc tuân theo pháp luật của công dân và việc áp dụng pháp luật của cảnh sát giao thông đều là những hành vi phù hợp với quy định của pháp luật (hành vi hợp pháp) để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, để pháp luật giao thông đường bộ được thực hiện trong cuộc sống.
Thực hiện pháp luật là quá trình hoạt động có mục đích, làm cho những quy định của pháp luật đi vào cuộc sống, trở thành những hành vi hợp pháp của các cá nhân, tổ chức.
Các hình thức thực hiện pháp luật
Thực hiện pháp luật là quá trình thường xuyên trong cuộc sống, với sự tham gia của cá nhân, tổ chức và Nhà nước, bao gồm bốn hình thức sau đây :
Sử dụng pháp luật : Các cá nhân, tổ chức sử dụng đúng đắn các quyền của mình, làm những gì mà pháp luật cho phép làm.
Ví dụ : Công dân thực hiện quyền tự do kinh doanh thông qua việc lựa chọn ngành, nghề, hình thức kinh doanh phù hợp với điều kiện, khả năng của mình và tổ chức việc kinh doanh theo đúng pháp luật...
Thi hành pháp luật : Các cá nhân, tổ chức thực hiện đầy đủ những nghĩa vụ, chủ động làm những gì mà pháp luật quy định phải làm.
Ví dụ : Người kinh doanh thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Nam thanh niên từ đủ 18 tuổi đến 25 tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự...
Người đi xe máy đội mũ bảo hiểm. (Ảnh : Tùng Lâm - TTXVN)
Tuân thủ pháp luật : Các cá nhân, tổ chức không làm những điều mà pháp luật cấm.
Ví dụ : Người kinh doanh không kinh doanh những mặt hàng, ngành, nghề bị cấm kinh doanh. Người tham gia giao thông không vượt qua ngã ba, ngã tư khi có tín hiệu đèn đỏ.
Áp dựng pháp luật: Các cơ quan, công chức nhà nước có thẩm quyền căn cứ vào pháp luật để ra các quyết định làm phát sinh, chấm dứt hoặc thay đổi việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ cụ thể của cá nhân, tổ chức. Trong một số trường -hợp, cá nhân, tổ chức chỉ có thể thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình thông qua hình thức áp dụng pháp luật của cơ quan nhà nước. Đó là những trường hợp :
— Các quyền và nghĩa vụ của công dân không tự phát sinh, thay đổi hay chấm dứt nếu không có một văn bản, quyết định áp dụng pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ví dụ : Quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng chỉ phát sinh và được pháp luật bảo vệ sau khi họ được uỷ ban nhân dân xã, phường cấp giấy đăng kí kết hôn ; ngược lại, quan hệ hôn nhân giữa hai vợ chồng chỉ chấm dứt sau khi Toà án nhân dân ra quyết định công nhận thuận tình li hôn hoặc ra bản án xử li hôn. Trong các trường hợp này, uỷ ban nhân dân xã, phường và Toà án nhân dân đã áp dụng pháp luật hôn nhân và gia đình để giải quyết việc kết hôn hoặc li hôn, làm phát sinh hoặc chấm dứt các quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng.
— Cơ quan nhà nước ra quyết định xử lí người vi phạm pháp luật hoặc giải quyết tranh chấp giữa cấc cá nhân, tổ chức. Cãn cứ vào quyết định của cơ quan nhà nước, người vi phạm pháp luật hoặc các bên tranh chấp phải thực hiện các quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.
Ví dụ : Cá nhân, tổ chức kinh doanh trốn thuế phải nộp phạt theo quyết định xử phạt của cơ quan thuế ; người phạm tội phải chấp hành hình phạt theo bản án do Toà án tuyên. Đây là các trường hợp áp dụng pháp luật của cơ quan thuế và Toà án.
Các giai đoạn thực hiện pháp luật
Thực hiện pháp luật là quá trình bao gồm hai giai đoạn chính sau đây :
Giai đoạn 1 : Giữa các cá nhân, tổ chức hình thành một quan hệ xã hội do
pháp luật điều chỉnh (gọi là quan hệ pháp luật).
Ví dụ :
— Người lao động và giám đốc doanh nghiệp sử dụng quyền của mình theo quy định của pháp luật để cùng nhau thoả thuận về việc làm, kí kết hợp đồng lao động, xác lập quan hệ lao động giữa các bên.
— Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cảnh sát giao thông làm phát sinh quan hệ pháp luật hành chính giữa người vi phạm pháp luật giao thông và Nhà nước.
Giai đoạn 2 : Cá nhân, tổ chức tham gia quan hệ pháp luật thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.
Ví dụ : Theo quy định của pháp luật hoặc theo các thoả thuận trong hợp đồng, người lao động phải hoàn thành các công việc được giao đúng thời hạn, đảm bảo chất lượng, chấp hành tốt kỉ luật lao động, tuân theo quy trình kĩ thuật,... còn người sử dụng lao động phải đảm bảo các điều kiện an toàn lao động và trả công đầy đủ, đúng hạn cho người lao động.
Nếu cá nhân, tổ chức tham gia quan hệ pháp luật vi phạm các quy định về quyền và nghĩa vụ thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ can thiệp và ra các quyết định để buộc họ phải thực hiện đúng pháp luật. Đây không phải là giai đoạn bắt buộc của quá trình thực hiện pháp luật vì chỉ xảy ra khi cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật.
Ví dụ : Nếu người sử dụng lao động buộc người lao động thôi việc trái pháp luật thì người lao động có quyền kiện ra Toà án. Quyết định của Toà án phải được các bên nghiêm chỉnh thi hành. Chẳng hạn : người sử dụng lao động phải tiếp nhận người lao động trở lại làm việc và bồi thường những thiệt hại mà người đó phải chịu trong thời gian bị buộc thôi việc trái pháp luật.
Như vậy, quá trình thực hiện pháp luật chỉ đạt được hiệu quả khi mỗi cá nhân, tổ chức, đặc biệt là các cơ quan, công chức nhà nước tham gia vào các quan hệ pháp luật đều chủ động, tự giác thực hiện đúng đắn quyền và nghĩa vụ của mình theo pháp luật.
Vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lí
Tình huống : cảnh sát giao thông phạt hai bô' con bạn A vì cả hai đều lái xe máy đi ngược đường một chiều. Bố bạn A không chịu nộp tiền phạt vì lí do ông không nhận ra biển báo đường một chiều, bạn A mới 16 tuổi, còn nhỏ, chỉ biết đi theo ông nên không đáng bị phạt.
Theo em, lí do mà bố bạn A đưa ra có xác đáng không ? cảnh sát giao thông phạt cả hai bố con bạn A có đúng không ? Bạn A có phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình không ?
Vi phạm pháp luật
Vi phạm pháp luật có các dấu hiệu cơ bản sau :
Thứ nhất, là hành vi trái pháp luật.
— Hành vi đó có thể là hành động — làm những việc không được làm theo quy định của pháp luật (ví dụ : Bạn A chưa đến tuổi được phép tự điều khiển mô tô mà đã lái xe đi trên đường và hai bố con bạn A đều lái xe đi ngược chiều quy định) hoặc không hành động — không làm những việc phải làm theo quy định của pháp luật (ví dụ : cơ sở kinh doanh không nộp thuế cho nhà nước).
— Hành vi đó xâm phạm, gây thiệt hại cho những quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ (ví dụ : hành vi lái xe ngược chiều quy định xâm phạm trật tự, an toàn giao thông).
Thứ hai, do người có năng lực trách nhiệm pháp lí thực hiện.
Năng lực trách nhiệm pháp lí được hiểu là khả năng của người đã đạt một độ tuổi nhất định theo quy định pháp luật, có thể nhận thức và điều khiển được hành vi của mình, tự quyết định cách xử sự của mình, do đó, phải độc lập chịu trách nhiệm về hành vi đã thực hiện.
Trong tình huống trên, cả hai bố con bạn A đều là những người có năng lực trách nhiệm pháp lí. Pháp luật hành chính và pháp luật hình sự nước ta đều quy định người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi vi phạm pháp luật của mình. Hai bố con bạn A đều có đủ khả năng nhận thức rằng đi xe máy ngược chiều quy định là làm trái pháp luật, có thể gây tai nạn, nguy hiểm cho người khác, họ hoàn toàn tự quyết định hành 'vi của mình, không ai ép buộc họ phải đi ngược chiều, do đó, họ phải tự chịu trách nhiệm về việc mình đã làm...
Thứ ba, người vi phạm pháp luật phải có lỗi.
Lỗi thể hiện thái độ của người biết hành vi của mình là sai, trái pháp luật, có thể gây hậu quả không tốt nhưng vẫn cố ý làm hoặc vô tình để mặc cho sự việc xảy ra.
Theo em, trong tình huống trên, hai bố con bạn A có lỗi không ? Vì sao ?
Từ các dấu hiệu trên, có thể rút ra kết luận :
Vi phạm pháp luật là hành vi trái pháp luật, có lỗi, do người có năng lực trách nhiệm pháp lí thực hiện, xâm hại các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ.
Trách nhiệm pháp lí
Trong lĩnh vực pháp luật, thuật ngữ "trách nhiệm" được hiểu theo hai nghĩa. Theo nghĩa thứ nhất, trách nhiệm là nghĩa vụ mà các tổ chức, cá nhân phải thực hiện. Theo nghĩa thứ hai, trách nhiệm là nghĩa vụ mà các chủ thể phải gánh chịu hậu quả bất lợi khi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật. Trong bài học này, trách nhiệm được hiểu theo nghĩa thứ hai.
Trong tình huống trên, hai bô' con bạn A đã vi phạm pháp luật giao thông đường bộ và họ phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình. Câu hỏi đặt
ra là : Hai bố con bạn A phải chịu trách nhiệm trước ai ? Họ chưa gây ra tai nạn, chưa phải bồi thường cho ai, vậy cảnh sát giao thông nhân danh ai và căn cứ vào đâu để phạt tiền họ ? Việc phạt ấy có ý nghĩa gì ? ■
Khi một người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật là họ đã xâm hại đến một hoặc một số quan hệ xã hội mà pháp luật bảo vệ, cũng có nghĩa là xâm hại hoặc có nguy cơ xâm hại đến lợi ích của cá nhân, tổ chức khác, đến trật tự, an toàn và lợi ích chung của Nhà nước, của xã hội. Trong những trường hợp đó, pháp luật thể hiện sức mạnh đặc trưng của mình là quyền lực, buộc các chủ thể vi phạm pháp luật phải chịu trách nhiệm pháp lí về hành vi của mình.
Trách nhiệm pháp lí là nghĩa vụ mà các cá nhân hoặc tổ chức phải gánh chịu hậu quả bất lợi từ hành vi vi phạm pháp luật của mình.
Trách nhiệm pháp lí được áp dụng nhằm :
— Buộc các chủ thể vi phạm pháp luật chấm dứt hành vi trái pháp luật ; buộc họ phải chịu những thiệt hại, hạn chế nhất định, buộc họ phải làm những công việc nhất định để trừng phạt, đồng thời ngăn chặn họ tiếp tục vi phạm pháp luật cũng như để khắc phục hậu quả do hành vi trái pháp luật của họ gây ra, để bảo vệ các trật tự, lợi ích bị xâm hại, đảm bảo cho các quan hệ xã hội diễn ra và phát triển đúng hướng điều chỉnh của pháp luật. Những hạn chế, thiệt hại áp dụng đối với người vi phạm pháp luật có thể về tinh thần (như cảnh cáo, buộc phải xin lỗi công khai...), về tài sản, thu nhập (phạt tiền, buộc bồi thường vật chất, không được làm những nghề nhất định...), về tự do (cấm cư trú, đi lại ở những địa bàn nhất định, phạt tù...).
— Giáo dục, rân đe những người khác để họ tránh, hoặc kiềm chế những việc làm trái pháp luật, đồng thời giáo dục ở họ ý thức tôn trọng pháp luật, củng cố niềm tin ở tính nghiêm minh của pháp luật, khuyến khích mọi người tích cực đấu tranh phòng, chống vi phạm .pháp luật.
Trong tình huống trên, hai bố con bạn A vi phạm pháp luật và phải chịu trách nhiệm pháp lí trước Nhà nước, phải thi hành nghiêm chỉnh quyết định xử phạt hành chính của cảnh sát giao thông, cụ thể là phải gánh chịu thiệt hại vật chất (nộp tiền phạt). Việc cảnh sát giao thông buộc hai bố con bạn A dừng xe và xử phạt họ đã chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật, ngăn chặn không để họ gây ra tai nạn cho người khác hoặc chính họ bị tai nạn do đi ngược chiều.
Các loại vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lí
Trong thực tế, các vi phạm pháp luật xảy ra khá đa dạng. Căn cứ vào đối tượng bị xâm phạm, mức độ và tính chất nguy hiểm do hành vi vi phạm gây ra cho xã hội, vi phạm pháp luật thường được chia thành bốn loại và tương ứng với mỗi loại vi phạm pháp luật là một loại trách nhiệm pháp lí.
Vi phạm hình sự là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, bị coi là tội phạm được quy định tại Bộ luật Hình sự.
Ví dụ : Hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người được quy định trong Bộ luật Hình sự với các tội như : Tội giết người ; Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ người khác ; Tội hiếp dâm ; Tội lây truyền HIV cho người khác
Người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự thể hiện ở việc người đó phải chấp hành hình phạt theo quyết định của Toà án. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Việc xử lí người chưa thành niên (từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi) phạm tội được áp dụng theo nguyên tắc lấy giáo dục là chủ yếu nhằm giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.
Vi phạm hành chính là hành vi vi phạm pháp luật có mức độ nguy hiểm cho xã hội thấp hơn tội phạm, xâm phạm các quy tắc quản lí nhà nước.
Ví dụ :
— Hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là vi phạm hành chính xâm phạm quy tắc quản lí nhà nước về kinh tế. Nhưng nếu số lượng hàng giả lớn (tương đương với sô' lượng của hàng thật có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên) hoặc dưới 30 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính trước đó thì bị coi là tội phạm hình sự (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả).
— Hành vi điều khiển phương tiện giao thông vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ là vi phạm hành chính. Nhưng nếu hành vi đó gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác thì bị coi là tội phạm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự về Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
Người vi phạm phải chịu trách nhiệm hành chính theo quy định của pháp luật. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt hành chính về vi phạm hành chính do cố ý ; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt hành chính về mọi vi phạm hành chính do mình gây ra.
Vi phạm dân sự là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm tới các quan hệ tài sản (quan hệ sở hữu, quan hệ hợp đồng...) và quan hệ nhân thân (liên quan đến các quyền nhân thân, không thể chuyển giao cho người khác, ví dụ : quyền đối với họ, tên, quyền được khai sinh, bí mật đời tư, quyền xác định lại giới tính,...).
Ví dụ : Bên mua không trả tiền đầy đủ và đúng thời hạn, đúng phương thức như đã thoả thuận với bên bán hàng là khi đó bên mua đã có hành vi vi phạm pháp luật dân sự.
Người có hành vi vi phạm dân sự phải chịu trách nhiệm dân sự. Người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi tham gia các giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật (ví dụ : bố mẹ đối với con) đồng ý, có các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự do người đại diện xác lập và thực hiện.
Vi phạm kỉ luật là hành vi vi phạm pháp luật xâm phạm các quan hệ lao động, công vụ nhà nước... do pháp luật lao động và pháp luật hành chính bảo vệ.
Ví dụ : Công chức nhà nước vi phạm các điều cấm công chức làm (cán bộ pháp luật ở các cơ quan nhà nước như Bộ Tư pháp, Toà án, Viện Kiểm sát, Công an,... không được đồng thời kiêm nhiệm làm luật sư, công chứng viên...) ; vi phạm nghiêm trọng kỉ luật lao động về thời giờ làm việc, nghỉ ngơi,...
Cán bộ, công chức, viên chức vi phạm kỉ luật phải chịu trách nhiệm kỉ luật với các hình thức khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, chuyển công tác khác, buộc thôi việc... III - TƯ LIỆU THAM KHẢO
Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009)
Điêu 8. Khái niệm tội phạm (trích)
Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Điều 9. Cố ý phạm tội
Cố ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây :
Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra ;
Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Luật Xử lí vi phạm hành chính năm 2012
Điều 21. Các hình thức xử phạt và nguyên tắc áp dụng
Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính bao gồm :
Cảnh cáo ;
Phạt tiền ;
Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn ;
Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (sau đây gọi chung là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính) ;
đ) Trục xuất.
Hình thức xử phạt quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này chỉ được quy định và áp dụng là hình thức xử phạt chính.
Hình thức xử phạt quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều này có thể được quy định là hình thức xử phạt bổ sung hoặc hình thức xử phạt chính.
Đối với mỗi vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính chỉ bị áp dụng một hình thức xử phạt chính ; có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung quy định tại khoản 1 Điều này. Hình thức xử phạt bổ sung chỉ được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính.
Nghị định sô 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt
Điều 4. Các biện pháp khắc phục hậu quả và nguyên tắc áp dụng (trích)
Các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt bao gồm :
Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi'do vi phạm hành chính gày ra ;
Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép ;
Buộc thực hiện biện pháp để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do vi phạm hành chính gây ra ;
Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất phương tiện ;
đ) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính ;
Các biện pháp khắc phục khác được quy định tại Chương II và Chương III của Nghị định này ;
Điều 6. Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kểcả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ (trích)
Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây :
i) Đi vào đường cấm, khu vực cấm ; đi ngược chiều của đường một chiều, đường có biển "Cấm đi ngược chiều", trừ trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định;
Điều 21. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới (trích)
Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô.
Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây :
a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên ;
Bài đọc thêm
BẠN CÓ BIÊT	Theo Báo Bạn đường, số 92, ngày 15410-2007.
Nhiều nhà nghiên cứu về an toàn giao thông coi vụ chiếc ô tô chạy thử sau khi xuất xưởng đã cán chết hai người ở Anh năm 1896 là tai nạn giao thông đầu tiên trên thế giới. Và 3 năm sau, ở Mĩ mới lại có một người chết do ô tô gây nên. Từ đó, tai nạn giao thông ngày càng tăng và đến nay đang là hiểm hoạ của cả thê' giới, trong đó, tập trung chủ yếu ở các nước đang phát triển và các nước kém phát triển, đặc biệt là ở các quốc gia châu Á và châu Phi. Chỉ tính riêng năm 2002, tai nạn giao thông trên thế giới đã làm cho 1,2 triệu người thiệt mạng và 50 triệu người bị thương.
Các nguyên nhân chủ yếu của tai nạn giao thông đường bộ là cơ sở hạ tầng (đường, cầu), phương tiện giao thông không bảo đảm điều kiện an toàn (quá hạn, quá cũ, quá nát, xe tự tạo,...) cùng với sự gia tăng quá nhanh các phương tiện giao thông (mỗi năm trên thế giới xuất xưởng thêm hàng triệu ô tô, xe gắn máy đủ loại). Ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông kém cũng là một nguyên nhân quan trọng làm gia tăng tai nạn giao thông đường bộ.
VẾT TRƯỢT TỪCHIẾC MŨ	Sưu tầm và biên soạn theo Báo Pháp luật.
Cậu bé quay đầu nhìn mẹ, nhìn mấy đứa bạn trong phòng xử án rồi khóc. Trong tâm trí nó giờ đây là cả một nỗi ân hận day dứt không nguôi. Nó khai trước
Hội đồng xét xử không biết hành vi ấy là phạm pháp, chỉ đơn giản thấy thích cái mũ đồ hiệu đó để đội cho bằng bạn bằng bè. Thế nên...
Hôm ấy, khoảng 3 giờ chiều, nó mượn xe của mẹ chở anh Bí đi có việc. Chợt nhìn thấy một chị phụ nữ đang đi xe phía trước có đội mũ hiệu DKNY, trị giá khoảng 200.000 đồng. Vốn là dân "sành điệu" nên nó biết ngay đó là mũ hàng hiệu. Phong trào đội mũ "xịn" đang trở thành mốt ở trường và nó mong muốn có được cái mũ đó biết bao. Nó nói với anh Bí: "Tụi mình chỉ giật cái mũ chứ có giật dây chuyền đâu mà sợ". Nghĩ vậy, nó liền điều khiển cho xe áp sát vào xe của người phụ nữ để Bí ngồi sau giật chiếc mũ và tăng ga bỏ chạy. Nghe tiếng hô của nạn nhân, một cảnh sát giao thông đã đuổi theo bắt cả hai đứa...
Ra trước Toà với tội danh "Cướp giật tài sản" khi nó mới hơn 15 tuổi, còn anh Bí mới sắp sang tuổi 17. Luật sư bào chữa nhận định rằng hành vi của nó là bồng bột, nhất thời, không mang tính chuyên nghiệp. Đó gần như là một trò chơi nhưng đã xâm phạm đến tính mạng và tài sản của người khác. Với các tình tiết giảm nhẹ của các bị cáo chưa đến tuổi thành niên, phạm tội lần đầu... Hội đồng xét xử đã tuyên phạt nó một năm tù giam, anh Bí một năm sáu tháng tù giam.
Những giọt nước mắt hối hận muộn màng chảy tràn trên hai khuôn mặt non nớt. Nhưng đau xót hơn cả vẫn là những người đã sinh thành và nuôi dưỡng, giáo dục chúng hằng ngày...
IV - CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
Thực hiện pháp luật là gì ? Em hãy phân tích những điểm giống và khác nhau giữa các hình thức thực hiện pháp luật.
Thế nào là vi phạm pháp luật ? Nêu ví dụ.
Theo em, vi phạm pháp luật có gì chung và có gì khác biệt với vi phạm đạo đức ? Lấy trộm tiền của người khác là vi phạm pháp luật hay vi phạm đạo đức ?
Hãy phân biệt sự khác nhau giữa vi phạm hình sự và vi phạm hành chính. Nêu ví dụ.
Trong tình huống nêu ở mục 2 "Vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lí", vận dụng các tư liệu trong bài, em hãy phân tích các vi phạm của bạn A và vi phạm của bố bạn A. Với các vi phạm của mỗi người, theo em, họ phải chịu trách nhiệm pháp lí nào ?
Theo em, việc truy cứu trách nhiệm hình sự và phạt tù đối với hai người phạm tội chưa thành niên trong bài đọc thêm có thoả đáng không ? Vì sao ?