SGK Tin Học 10 - §9. TIN HỌC VÀ XÃ HỘI

  • §9. TIN HỌC VÀ XÃ HỘI trang 1
  • §9. TIN HỌC VÀ XÃ HỘI trang 2
  • §9. TIN HỌC VÀ XÃ HỘI trang 3
§9 . TIN HỌC VÀ XÃ HỘI
Ảnh hưỏng của tin học đối vối sự phát triển của xã hội
Hiện nay, các thành tựu của tin học được áp dụng ở hầu hết các lĩnh vực hoạt động của xã hội và đem lại nhiều hiệu quả to lớn. Mối quan hệ tương tác giữa các nhu cầu của xã hội ngày càng đa dạng và những tiến bộ của khoa học kĩ thuật đã dẫn đến sự phát triển như vũ bão của tin học. Ai không theo dõi thường xuyên các thông tin liên quan đến lĩnh vực này sẽ cảm thấy bị lạc hậu.
Sự phát triển của tin học làm cho xã hội có nhiều nhận thức mới về cách tổ chức các hoạt động.
Nhiều quốc gia ý thức được rất rõ tầm quan trọng của tin học và có những đầu tư lớn cho lĩnh vực này, đặc biệt trong giáo dục nâng cao dân trí về tin học và đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao. Là một nước đang phát triển, trong quá trình xây dựng và phát triển tin học, Việt Nam gặp không ít thách thức nhưng cũng có nhiều thuận lợi. Để phát triển tin học cần có hai điều kiện quan trọng: một xã hội có tổ chức trên cơ sở pháp lí chặt chẽ và một đội ngũ lao động có trí tuệ. Người Việt Nam có nhiều tố chất thích hợp với ngành khoa học này, vì thế chúng ta hi vọng có thể sớm hoà nhập với khu vực và thế giới.
Nhưng thế nào là phát triển ngành Tin học? Ta không nên đồng nhất việc sử dụng trong phạm vi rộng các thành tựu của tin học với việc có một nền tin học phát triển. Nếu việc sử dụng các thành tựu tin học chỉ dừng ở mức dùng các phần mềm như hàng hoá thì đó chỉ là mức tiêu dùng. Nền tin học của một quốc gia được xem là phát triển nếu nó đóng góp được phần đáng kể vào nền kinh tế quốc dân và vào kho tàng tri thức chung của thế giới.
Xã hội tin học hoá
Các mặt hoạt động chính của xã hội như: sản xuất hàng hoá, quản lí, giáo dục và đào tạo, đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần trong thời đại tin học hoá sẽ được điều hành với sự hỗ trợ của các mạng máy tính kết nối các hệ thống thông tin lớn, liên kết các vùng lãnh thổ của một quốc gia và giữa các quốc gia với nhau,...
Bằng các phương tiện giao lưu thông tin hiện đại, các giao dịch "mặt đối mặt" sẽ ít dần nhưng con người vẫn có thể phối hợp các hoạt động với nhau một cách hiệu quả hơn, tiết kiệm được nhiều thời gian để dành cho các hoạt động sáng tạo và nghỉ ngơi.
Có thể nghĩ đến các viễn cảnh như: cơ quan không cần trụ sở vì các cán bộ có thể làm việc ở nhà, giao dịch, phối hợp công việc qua mạng máy tính; học tại nhà qua mạng có cài đặt các chương trình phục vụ việc tự học, tự đánh giá; các hoạt động mua bán sẽ thực hiện qua mạng;...
Cùng với việc phát triển các phương tiện kĩ thuật hiện đại có hàm lượng tin học ngày càng cao, năng suất lao động được nâng cao rõ rệt. Lao động chân tay sẽ được bớt dần và con người sẽ tập trung chủ yếu vào lao động trí óc để không ngừng nâng cao hiệu quả trong mọi công việc. Các thế hệ rô bốt với nhiều loại dành cho các ngành nghề khác nhau sẽ được dùng phổ biến. Đặc biệt, chúng có thể thay thê' con người trong những môi trường làm việc nguy hiểm như trong lòng đất, dưới nước sâu, trên cao, những nơi có điều kiện khí hậu, nhiệt độ khắc nghiệt quá sức chịu đựng của con người.
Rất nhiều thiết bị dùng cho mục đích sinh hoạt và giải trí như máy giặt, máy điều hoà, các thiết bị âm thanh,... hoạt động theo các chương trình điều khiển đã và đang nâng cao chất lượng cuộc sống cho con người.
Vãn hoá và pháp luật trong xã hội tin học hoá
Trong xã hội tin học hoá, các hoạt động của xã hội dựa trên các dòng thông tin lưu chuyển trong một hệ thống tin học có quy mô toàn thế giới. Sống trong xã hội như vậy con người phải có ý thức bảo vệ thông tin vì đó là tài sản chung của mọi người. Những hành động vô ý thức do thiếu hiểu biết hoặc cố ý làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hệ thống đều là phạm tội. Chẳng hạn, những hành động như truy cập một cách bất hợp pháp các nguồn thông tin, phá hoại thông tin trên mạng của các cơ quan, vi phạm quyền sở hữu thông tin, tung virus vào mạng,... đều là phạm pháp.
Việc giáo dục, đào tạo những thế hệ mới đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao về phong cách sống, làm việc một cách khoa học, có tổ chức, trình độ kiến thức vững vàng và khả năng thực hành tốt là nhiệm vụ quan trọng của toàn xã hội.
Để bảo vệ lợi ích chung, xã hội phải có những quy định, những điều luật để bảo vệ thông tin và để xử lí các tội phạm liên quan đến việc phá hoại thông tin ở các mức độ khác nhau.
Về lĩnh vực này nước ta đã có những văn bản pháp lí như luật Giao dịch Thương mại Điện tử được Quốc hội thông qua trong kì họp tháng 12 năm 2005. Trước đó, ngày 13/1/2000 Quốc hội đã ban hành một số điều luật chống tội phạm tin học trong bộ luật hình sự. Chính phủ đã có những giải pháp thực tế để ngăn chặn những hành vi lợi dụng Internet xâm hại an ninh, kinh tế quốc gia và truyền bá văn hoá phẩm độc hại.
Các thuật ngữ chính	
Xã hội tin học hoá; Pháp luật trong xã hội tin học hoá; Giao dịch thương mại điện tử.
CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
Nếu có điều kiện, em muốn úng dụng tin học vào cuộc sống gia đình em như thế nào?
Em thích học qua mạng hay học trên lớp có thầy và bạn? Tại sao?
Em suy nghĩ gì về trách nhiệm của thế hệ các em đối với sụ phát triển tin học của nước ta?