Chúng ta sẽ ổn thôi mà

  • Chúng ta sẽ ổn thôi mà trang 1
  • Chúng ta sẽ ổn thôi mà trang 2
CHÚNG TA SẼ ỔN THÔI MÀ!
Ánh nắng chen qua mấy vòm cây chiếu xuống khoảng sân. Từng giọt nắng đang nô đùa trên bề mặt lớp xi măng khô khốc. Con mèo mướp vờn mình chộp nắng giữa khoảng không rồi lăn bịch xuống nền sân đau điếng. Nó cong đuôi chạy trốn. Mấy chiếc lá vàng cũng kịp rơi xuống thế chỗ. Cuối góc sân, nơi mà ánh nắng căng tròn, mẹ tôi đang khom lưng phơi đậu.
Mẹ cặm cụi nhặt từng hạt mốc, hạt sâu rồi lại giần giần, sảy sảy những chiếc vỏ cong đen, gầy lép kẹp để lộ những hạt đậu căng mẩy.
Tôi ngồi im trên bậc thềm, chăm chú quan sát cả khoảng sân. Một khoảng không gian rất đỗi quen thuộc. Nhưng giờ đây tôi có cảm giác nó đang dần xa tôi. Xa không phải là một thời gian ngắn như những lần đi học xa nhà tôi cảm nhận được, mà là xa mãi mãi.
Tôi hình như đọc được ý nghĩ trong đầu của mẹ. Đó là một nỗi lo, một nỗi trăn trở rất lớn. Xen giữa những tiếng sột soạt của vỏ đậu cà vào nhau là tiếng thở dài rất khẽ của mẹ. Cuối tháng này, tháng sau và thời gian sau đó nữa chúng tôi sẽ ở đâu, sống như thế nào khi mà ngôi nhà thân quen của mình đã bị người ta lấy mất vì bố mẹ không đủ khả năng trả nợ đúng hạn sau cuộc làm ăn thất bại?
Hai giờ chiều xe chạy qua nhà rồi đấy, vào chuẩn bị đồ đạc mà đi chứ con!
Tôi ậm ừ rồi bước vào nhà, trong lòng không còn tâm trí nào mà xếp đồ đạc nữa. Tôi đặt lưng xuống phản, mắt nhìn thẳng lên trần nhà, tất cả mọi cảnh vật đều rất gần mà lại xa vời. Và cả con thạch sùng trên kia nữa, liệu sau này chúng kêu và có còn ai chú ý đến chúng như tôi không nhỉ? Tôi nằm suy nghĩ miên man, buồn mà không khóc được, thương bố mẹ và chẳng biết làm gì. Tôi như bị vùi sâu vào một đảo hoang chất đầy những dây rợ, cố vùng thoát ra mà không được, càng vùng lại càng bị quấn chặt lấy thân mình. Tiếng mẹ lại vang lên đầy thúc giục:
Sao thế con? Sao không soạn đồ đi? Vào trường còn có thời gian nghỉ ngơi rồi mới học hành được chứ! Nhanh lên! Tôi đành bật dậy, nhét luôn mấy thứ quần áo, sách vở vào vali và dựng ở chân tường, chuẩn bị sẵn sàng tư thế xe qua nhà là đi luôn như mọi lần trước. Tôi không dám để mẹ hay ai đó trong gia đình phát hiện ra mình đang buồn. Vì chẳng quyết định được điều gì mà lại làm phiền lòng bố mẹ.
Xe gần đến, thằng em tôi bặm môi đòi xách cái vali ra cổng. Mẹ cũng đi sau rồi dúi vào tay tôi bốn trăm ngàn đồng. Mẹ nhìn tôi và bảo:
Con đừng quá lo lắng, đâu sẽ vào đó cả thôi mà. Mẹ biết con đã hết tiền, cầm lấy vào trường học tập, ăn uống cho tử tế nhé!
Bố cũng bước ra. Như thường lệ, ông vỗ vào vai tôi và nói một câu quen thuộc: “Cố lên đồng chí! Chúc đồng chí chiến đấu tốt!”, rồi cười - một nụ cười rất đỗi vô tư. Nhưng rồi ông lại nhìn tôi bằng ánh mắt trìu mến với vẻ buồn buồn, ông nhỏ nhẹ:
Bố biết con rất buồn vì hoàn cảnh lúc này của gia đình. Con đừng lo, tháng sau chúng ta về tạm nhà ngoại ở. Điều mà bô' sợ nhất là sức khỏe và trí tuệ không còn, chứ còn hai thứ ấy nghĩa là còn của cải, còn cơ hội gây dựng lại từ đầu. Các con chính là tài sản lớn nhất, quí nhất của bố mẹ đấy!
Ông ngừng lại trong chốc lát, nheo một mắt và cười hóm hỉnh:
Con có hiểu bố muốn nói gì không nhỉ?
Tôi khẽ gật đầu. Ông xoa xoa bàn tay lên đầu tôi, phán một tiếng “được” rất lớn.
Thằng em tôi cũng chen vào, cười nhe cái răng sún ra. Nó giơ nắm tay lên và bảo: “Cố lên chị nhé!”.
Xe vừa đến, tôi bước lên xe, bố với theo đưa cho tôi cuốn sách bìa xanh thật đẹp. Cuốn sách ấy có tựa đề “Chúng ta sẽ ổn thôi mà” cùng dòng chữ của bố: “Chúc mừng con nhân ngày sinh nhật - Cố lên người chiến sĩ trẻ tuổi!”
Tôi như được tiếp thêm một luồng sức mạnh tinh thần rất lớn. Tôi thấm thìa hơn câu nói của bố, hiểu hơn về tác dụng của sự lạc quan. Nó giúp ta vượt qua rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Hải Âu