Tả cây gạo

  • Tả cây gạo trang 1
  • Tả cây gạo trang 2
TẢ CÂY GẠO
Trời cuối xuân trong vắt, nhuộm một màu xanh non mềm mại của cỏ cây hoa lá. Một làn gió lùa qua, cây gạo rùng mình đánh thức những búp non tỉnh giấc.
Mới ngày nào, cây còn khẳng khiu trơ trụi lá, vươn những “cánh tay” dài ngoằng. Một dạo quên không để ý, hôm nay nhìn cây gạo, tôi thực sự bàng hoàng. Trời! Sao mà nhanh đến thế! Cây gạo bắt đầu thắp lửa rồi! Ban đầu là những búp gạo nhỏ xinh như búp tay em bé. Sau đó, lác đác vài ba bông nở xòa và chẳng bao lâu hoa thi nhau nở, ganh đua nhau thắp lửa sáng rực cả một góc trời.
Từ xa nhìn lại, cây gạo giống như một bông hoa khổng lồ, đỏ rực. Muôn vàn búp nõn là muôn vàn bông hoa tỏa ánh sáng diệu kì mỗi khi nắng rọi vào. Lũ trẻ con chúng tôi mỗi lần ngưóc nhìn lên cây gạo chỉ mong sao hoa rụng xuống thật nhanh để nhặt chúng mang về chơi đồ hàng. Và “điều ước đó” cũng đến. Có bông tự nhiên rơi bịch xuống không một chút do dự lưu luyến. Có bông chao đảo mấy vòng trên không trung rồi từ từ đặt mình xuống thảm cỏ. Nhiều khi gió thổi mạnh, hoa gạo rụng đỏ cả gốc cây.
Cũng chỉ chờ có thế, chúng tôi liền thi nhau nhặt hoa xem ai được nhiều hơn. Rồi bao nhiêu trò chơi được bày ra dưới gốc cây. Nhưng thú vị hơn cả vẫn là trò bán hàng. Tiền là những chiếc lá ổi già. Chúng tôi chơi không biết chán. Thế nhưng có hôm chẳng cỏ bông hoa nào rơi cho chúng tôi nhặt cả.
Thời gian về sau, những bông hoa rơi cứ thưa dần, thưa dần rồi hết hẳn. Ai cũng tiếc nuối, lại bắt đầu mong đợi: mong cái giây phút gió đưa xuống những đám bông gạo trắng muốt và mềm mại. Một hôm đi học về ngang qua cây gạo, bất chợt vật gì rơi trúng đầu mới giật mình nhìn lên: “A, bông gạo! Bông gạo rụng kìa chúng mày ơi!”.
Thế là lại một cuộc tranh giành nổ ra, không kém phần sôi nổi và vui nhộn. Những lần như thế tôi thường được nhiều nhất, bởi vì tôi phát hiện ra điều ấy sớm nhất. Có những trưa nắng, khi người lớn đã ngủ, tôi thường lẻn sang nhà cái Na rủ nó đi nhặt bông gạo. Sở dĩ chúng tôi phải trốn đi vì bà thường bảo: “Cú cáo cây đa, ma cây gạo. Các cháu đừng dại mà tới đó vào những lúc vắng vẻ nghe không!” Lời của bà nghe có vẻ bí hiểm lắm nhưng mặc kệ, chúng tôi vẫn ra chơi đùa dưới gốc gạo.
Mùa đông gạo hết, tôi gom được một túi bông to ơi là to. Mẹ may cho tôi cái gối rất đẹp. Cái gối êm ái ấy đưa tôi vào giấc ngủ bồng bềnh với bao giấc mơ tươi đẹp.
Mỗi mùa xuân đi qua, cây gạo lại già thêm. Thân cây cũng to hơn, vỏ cây dày và xù xì, thô ráp hơn. Nhưng cây vẫn đơm hoa, như không muốn “lỗi hẹn” với lũ trẻ nhà quê chúng tôi. Bây giờ tôi không còn bé để nhặt hoa rơi nữa. Nhưng mỗi lần trở về gặp mùa hoa gạo nở và nhất là gặp chiếc gối được làm từ bông gạo, lòng tôi lại cồn cào nỗi nhớ về một tuổi thơ dịu ngọt. Tôi sung sướng ngỡ như mình đã cất giấu được tuổi thơ trong chiếc gối nhỏ xinh mẹ may năm nào.
Cây gạo già làng tôi trầm ngâm đứng đó như chờ đợi và có khi cũng như đón chào một ai đó trở về làng. Khi đi xa, nhìn về làng, bắt gặp cái dáng vẻ trầm ngâm ấy, tôi cảm thấy tự tin hơn. Tôi lại mường tượng ra dáng mẹ tôi ngày ngày cặm cụi trên đồng ruộng chắt chiu nuôi tôi lớn khôn. Mẹ cũng như cây cao kia, khắc khoải đợi chờ tôi trưởng thành và trở về.
Mai Thị Lịch