Cổ tích viết bằng chân

  • Cổ tích viết bằng chân trang 1
  • Cổ tích viết bằng chân trang 2
  • Cổ tích viết bằng chân trang 3
CỔ TÍCH VIẾT BẰNG CHÂN
Những trang vở đỏ chói điểm 9, 10 với những dòng chữ tròn, đều, thẳng tắp, ít ai có thể ngờ rằng những dòng chữ đó được viết không phải bằng tay mà là bằng chân; một đôi chân kì diệu của bạn Nguyễn Minh Phú, lớp 5B, Trường Tiểu học Hồ Tông Thốc, Thọ Thành, Yên Thành, Nghệ An.
Cô Nguyễn Thị Bình - mẹ của Phú - không thể nào quên được cái ngày 17-7-1990 ấy. Cô đã ngất xỉu khi nhìn thấy đứa con vừa chào đời của mình - một hài nhi yếu ớt, nhỏ bé và thiếu hẳn đôi cánh tay. Phú lớn lên trong nỗi lo lắng, xót xa của bô' mẹ. Như để bồi đắp phần nào nỗi đau ấy, Phú có ý thức tự lập từ rất sớm, tập làm mọi việc bằng đôi chân của mình. Mỗi sáng ngủ dậy, Phú dùng chân kẹp bàn chải đánh răng và lấy khăn rửa mặt. Với đôi chân của mình, Phú không chỉ tự ăn cơm, mặc quần áo, mắc màn, xếp chăn, tắt mở công tắc điện,... mà còn giúp bố mẹ làm nhiều việc vặt trong nhà, từ bóc ngô, nhặt rau, đun bếp, quét nhà cho đến xâu kim chỉ cho mẹ vá quần áo. Cũng như bao đứa trẻ đồng quê bình thường khác, Phú có những ngày vui cờ vua, đá bóng, nhảy dây,... Nhưng khi bạn bè cùng lứa tuổi cắp sách tới trường, Phú mới nhận ra rằng mình thiệt thòi quá nhiều. Những đứa bạn cùng chơi nay một buổi ríu rít tới trường, để mình Phú thơ thẩn hết ra lại vào trong cái ngõ nhỏ. Một lần, Phú mon men đến lớp học, say sưa nhìn cô giáo giảng bài, nhìn lũ bạn ê a đánh vần, tập viết... về nhà, Phú lấy viên phấn kẹp vào chân, viết những chữ nguệch ngoạc trên nền gạch... Thấy con thích học chữ, chú Lộc, bố của Phú, bỏ công kèm cặp cho con chỉ với ý nghĩ là để con đỡ buồn chứ không dám hy vọng gì hơn. Nhưng không ngờ Phú lại học rất nhanh, say mê, quên ăn, quên ngủ, bất chấp cả việc phấn ăn kẽ chân khiến chân bị loét, máu tứa ra. Đêm đêm, mẹ Phú lại lấy thuốc bôi vào chỗ loét, nhưng hôm sau vết thương lại như cũ vì Phú nhất quyết không chịu rời viên phấn, cây bút.
Khi biết đọc thông, viết thạo, Phú nằng nặc đòi cha mẹ cho đi học. Lúc đầu cô giáo tỏ vẻ ái ngại nhưng cũng đành gật đầu trước quyết tâm của Phú. Cô giáo chủ nhiệm dành cho Phú một chiếc ghế để Phú đặt vở lên đấy, xoay ngang người, kê chân lên và cặp bút viết. Cứ như thế, Phú cần cù chịu đau, chịu khó, dù cho vào những ngày nóng nực, mồ hôi rỏ xuống nhòe hết cả trang vở, còn về mùa đông thì bàn chân tê cóng vì lạnh, điều khiển cây bút cực kì khó khăn. Có những hôm, do viết quá nhiều, Phú bị chuột rút khiến các ngón chân co quắp, cứng đờ.
Vất vả, khổ sở là thế nhưng Phú không hề nản lòng, chưa hề nghỉ một buổi học nào. Điều đáng nói là Phú viết rất đẹp và đặc biệt là tiếp thu bài vở rất nhanh. Suốt bốn năm học qua, Phú luôn là người dẫn đầu lớp về thành tích học tập. Phú rất có khả năng về môn Toán, trong vở chỉ toàn điểm 9, 10. Năm 2002, Phú đoạt giải “Vở sạch chữ đẹp” của huyện. Năm 2003, đoạt giải Nhì trong cuộc thi năng khiếu kể chuyện của trường. Nhiều lần Phú được úy ban nhân dân tỉnh, huyện tặng bằng khen chứng nhận “Thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tập tốt”.
Mơ ước của Phú là trở thành một nhà phiên dịch, vì theo bạn, đó là công việc thích hợp nhất đối với một người không có tay như Phú. Nhìn gương mặt thông minh với đôi mắt sáng, kiên quyết của Phú, tôi tin rằng Phú sẽ học thành tài, sẽ thực hiện được ước mơ của mình, viết tiếp những trang cổ tích bằng đôi chân kì diệu, bằng nghị lực phi thường như những người đi trước có cùng hoàn cảnh là Nguyễn Ngọc Ký, Hoa Xuân Tứ,...
(Theo báo Thiếu niên. Tiền Phong)