Bài số 14: Tả một bức tranh gà Đông Hồ mà em từng được ngắm nhìn

  • Bài số 14: Tả một bức tranh gà Đông Hồ mà em từng được ngắm nhìn trang 1
  • Bài số 14: Tả một bức tranh gà Đông Hồ mà em từng được ngắm nhìn trang 2
Bài số 14
Tả một bức tranh gà Đông Hồ mà em từng được ngắm nhìn.
Bài làm
Ngày em Lâm cất tiếng chào đời, ông nội đi thăm người bạn (đồng đội thời chống Mĩ) ở xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, ông nội mua về 12 bức tranh Đông Hồ, trong đó có ba bức tranh gà. Mỗi bức tranh gà mang một cái tên riêng: Nghinh xuân, Gà đàn, Vinh hoa.
Tranh gà Nghinh xuân phía trên có hai chữ nho “Đại cát” nghĩa là tốt lành; phía dưới là hình ảnh chú gà trống đang co chân, giương cánh rất hùng dũng, oai vệ, lông đuôi rực rỡ, uốn cong như múa. Gà đang cất tiếng gáy vang động núi rừng, xóm thôn...
Tranh Gà đàn vẽ hình ảnh gà mái mẹ với đàn gà con. Gà mẹ nghiêng đầu ngắm đàn con thơ với tất cả tình “mẫu tử” yêu thương, sẵn sàng vì con mà chống trả mọi kẻ thù rình rập. Đàn con thơ lông vàng rực, có con rúc dưới cánh, có con ngồi lên lưng, lên cổ gà mẹ; cất tiếng kêu chiêm chiếp ríu ran. Thật đẹp, thật vui!
Tranh Vinh hoa vẽ một cậu bé bụ bẫm ôm con gà trống có mào đỏ tươi, cặp mắt sáng long lanh. Hình ảnh cậu bé ôm gà biểu hiện niềm ước mong về sức khoẻ cường tráng, chí khí kiên cường bất khuất, có tài trí, đức độ làm nên sự nghiệp vẻ vang.
Những điều trên đây về ba bức tranh gà là do ông nội giảng giải cho. Ông nội mất đã 3 năm. Em Lâm đã lên 9 tuổi. Ba bức tranh gà Đông Hồ vẫn treo trang trọng trên tường phòng khách. Ai đến chơi nhà cũng khen đẹp. Bố mẹ gọi em Lâm là “Gà rừng”.
Có hôm trong bữa cơm chiều, em Lâm khoe với bố mẹ và chị gái là vừa đọc được hai câu thơ của thi sĩ Hoàng cầm:
‘'Tranh Đông Hồ, gà lợn nét tươi trong,
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp’''.
Em đọc một cách say sưa và đắc chí lắm! Mẹ cười rồi nói: “Con gà rừng nhà ta lại gáy ó... Ò...0 rồi!”.
Trán Thị Yến, 5A
Trường Tiểu học Trung Văn - Hà Nội