SGK Âm Nhạc và Mĩ Thuật 8 - Tiết 13. Ôn tập bài hát: Hò ba lí - Ôn tập Tập đọc nhạc: TĐN số 4 - Âm nhạc thường thức: Một số nhạc cụ dân tộc

  • Tiết 13. Ôn tập bài hát: Hò ba lí - Ôn tập Tập đọc nhạc: TĐN số 4 - Âm nhạc thường thức: Một số nhạc cụ dân tộc trang 1
  • Tiết 13. Ôn tập bài hát: Hò ba lí - Ôn tập Tập đọc nhạc: TĐN số 4 - Âm nhạc thường thức: Một số nhạc cụ dân tộc trang 2
  • Tiết 13. Ôn tập bài hát: Hò ba lí - Ôn tập Tập đọc nhạc: TĐN số 4 - Âm nhạc thường thức: Một số nhạc cụ dân tộc trang 3
Tiết 13
ôn tập bài hát: Hò ba lí
Ôn tập Tập đọc nhạc : TĐN số 4
Âm nhạc thường thức : Một số nhạc cụ dân tộc
Âm nhạc thường thức
MỘT SỐ NHẠC CỤ DÂN TỘC
Cồng, chiêng
Cồng, chiêng là nhạc cụ dân tộc thuộc bộ gõ, được làm bằng đồng thau, hình tròn như chiếc nón quai thao, đường kính từ 20cm (loại nhỏ) cho đến 60cm (Ịoại to), ở giữa có hoặc không có núm. Người ta dùng dùi gỗ có quấn vải mềm (hoặc dùng tay) để đánh cồng, chiêng. Cồng, chiêng càng to thì tiếng càng trầm, càng nhỏ thì tiếng càng cao.
Âm thanh của cồng, chiêng vang như tiếng sấm rền. Đối với các dân tộc ở Việt Nam cồng, chiêng được coi là nhạc cụ thiêng. Lúc đầu cồng, chiêng chỉ dùng để tế lễ thần linh, sau này mới được dùng trong các lễ hội dân gian.
Cồng, chiêng
Đàn Trưng
ở Việt Nam cũng như ở một số nơi trên thế giới có nhiều tộc người đã biết dùng tre, nứa để làm nên những nhạc cụ khác nhau. Tuy vậy không nơi nào có một nhạc cụ làm từ tre nứa độc đáo như ở Tây Nguyên. Đó là đàn Trưng.
Đàn Trưng làm bằng các ống nứa to, nhỏ, dài, ngắn khác nhau. Một đầu ống bịt kín bằng cách để nguyên các đầu mấu, đầu kia vót nhọn. Khi dùng dùi gõ vào các ống sẽ tạo thành âm thanh cao thấp khác nhau tuỳ độ to, nhỏ, dài, ngắn của ống.
Âm sắc của đàn t’rưng hơi đục, tiếng không vang to, vang xa nhưng khá đặc biệt. Nghe tiếng đàn t’rưng ta có cảm giác như tiếng suối róc rách, tiếng thác đổ, tiếng xào xạc của rừng tre nứa khi gió thổi.
Đàn đá
Đàn đá là một nhạc cụ gõ cổ nhất của Việt Nam. Đàn được làm bằng các thanh đá với kích thước dài, ngắn, dày, mỏng khác nhau. Thanh đá dài, to, dày thì tiếng trầm. Thanh đá ngắn, nhỏ, mỏng thì tiếng thanh.
Ở âm vực cao, tiếng đàn đá thánh thót xa xăm. Ở âm vực trầm, đàn đá vang như tiếng dội của vách đá. Người xưa quan niệm âm thanh của đàn đá như một phương tiện để nối liền cõi âm với cõi dương, giữa con người với trời đất thần linh, giữa hiện tại với quá khứ.
Đàn t'rưng
Đàn đá
Đàn đá đã được giới thiệu ở trong và ngoài nước.
CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
Học thuộc và ghép lời TĐN số 4.
Kể tên những nhạc cụ làm bằng tre nứa mà em biết.
BÀI ĐỌC THÊM
HÁT RU
Âm nhạc là nghệ thuật của âm thanh. Có thể nói đây là loại hình nghệ thuật đến sớm nhất đối với con người. Ngay khi còn trong bụng mẹ, thai nhi đã có phản xạ đối với âm thanh. Nhạc sĩ Cô-đai (1882-1967, Hung-ga-ri) - người có những đóng góp hết sức to lớn cho sự nghiệp giáo dục âm nhạc - đã nói một cách dí dỏm : “Có người hỏi tôi nên cho trẻ nhỏ học nhạc từ lúc nào, tôi đã trả lời là : trước khi em bé ra đời 9 tháng”. Như thế, ý nói là nên cho trẻ nhỏ học nhạc từ khi em bé còn trong bụng mẹ, qua các điệu hát ru.
Đường nét giai điệu du dương, trầm bổng kèm theo một tiết tấu khoan thai, ở những khúc hát ru có thể nói là những tác phẩm âm nhạc đầu tiên và gần gũi đối với trẻ sơ sinh. Mỗi người thường giữ ấn tượng suốt đời về những câu hát ru của mẹ.
Từ bao đời nay, người mẹ Việt Nam đã hát cho con nghe những bài ca quen thuộc của quê hương. Đó là những âm điệu thắm thiết nhất, êm ái nhất, có tác dụng làm nảy nở những tình cảm tốt đẹp, lòng yêu con người, yêu quê hương xứ sở. Những âm điệu mượt mà, êm dịu ấy tác động vào đôi tai bé bỏng, non nớt của trẻ thơ, hình thành nên đôi tai biết nghe âm nhạc và năng khiếu âm nhạc cũng bắt đầu từ đó.
Ở góc độ của các nhà khoa học thì hát ru lại là những kích thích rất có lợi không những đối với sự phát triển tâm, sinh lí mà còn cả sự phát triển thể chất của trẻ nữa. Đó là sự kích thích tiền đình và nhiều người đã xác nhận rằng những trẻ hằng ngày được kích thích tiền đình bằng những lời hát ru (trong khoảng 10 phút>thì phản xạ vận động tốt hơn nhiều so với những trẻ không được nghe hát ru (tài liệu của Trường Đại học Ô-hai-ô ở Mĩ).
•
Thấy được tác dụng to lớn của hát ru đối với sự phát triển của trẻ thơ, những người mẹ, những cô nuôi dạy trẻ và những ai gần gũi với trẻ thơ đều nên học hát ru để ru trẻ ngủ, để dỗ dành khi trẻ quấy khóc, chuyện trò với trẻ bằng những âm thanh tuyệt diệu ấy.
Theo PHẠM TUYÊN