Bài 7: Kể lại một truyện cổ có nội dung châm biếm mà em nhớ mãi: Diệp Công thích Rồng

  • Bài 7: Kể lại một truyện cổ có nội dung châm biếm mà em nhớ mãi: Diệp Công thích Rồng trang 1
  • Bài 7: Kể lại một truyện cổ có nội dung châm biếm mà em nhớ mãi: Diệp Công thích Rồng trang 2
Bài 7
Kể lại một truyện cổ có nội dung châm biếm mà em nhớ mãi.
Bài làm
Diệp Công thích Rồng
Chuyện này xảy ra ở bên Tàu, đã lâu lắm rồi, đã mấy nghìn năm. Thuở ấy có một người tên là Diệp Công, nổi tiếng về chuyện thích Rồng.
Mũ, áo, quần, thắt lưng của ông ta đều thêu Rồng. Trong nhà, mọi thứ đều chạm Rồng, khắc Rồng. Cột nhà, tường nhà, trần nhà đều đắp Rồng, chạm Rồng. Ấm chén uống rượu, uống trà của ông đều khắc Rồng. Cái gối của ông ta, thứ thì thêu Rồng, thứ thì chạm Rồng. Có đủ thứ Rồng: Rồng bay, Rồng lượn, Rồng phun mây, Rồng lấy nước, Rồng đẻ, Rồng ấp, Rồng nhả ngọc, Rồng phun châu, V.V....
Tiếng tăm Diệp Công thích Rồng không chỉ lan truyền khắp kinh kỳ, kẻ chợ mà còn rung động tới chín tầng mây, thấu tới cõi Trời. Rồng thật ở trên trời nghe tiếng rất lấy làm cảm động. Thế là Rồng đã cưỡi gió mây, bay xuống cõi trần, tìm đến nhà Diệp Công, gây ra cảnh mưa to, gió lớn, sấm sét đùng đùng, chớp loé trời đất. Rồng thò đầu qua cửa sổ, còn cái đuôi dài vắt trên mái nhà, nóc nhà. Miệng Rồng thở phù phù làm cho ngôi nhà Diệp Công rung chuyển. Cặp mắt Rồng đỏ rực như hai hòn than khổng lồ.
Diệp Công nép vào cánh cửa nhìn Rồng. Mặt ông ta trắng nhợt ra, toàn thân run lên cầm cập, co dúm lại, vô cùng hãi hùng khiếp sợ. Rồi ông tung cửa bỏ chạy trong cảnh mưa gió ào ào, sấm sét ầm ầm.
Rồng co vòi lên cười, cười ngặt nghẽo. Cái đuôi Rồng cứ đập lên đập xuống. Lúc bấy giờ Rồng thật mới rõ là Diệp Công thích Rồng không phải là Rồng thật mà thứ có dáng như Rồng, có màu sắc như Rồng!
Rồng vừa bay về trời vừa trầm ngâm suy nghĩ, thương hại cho tay Diệp Công nọ.
Nguyễn Thị Hà, 5A
Trường Tiểu học Lê Lợi - Thanh Hoá