Bài 103: Kể về một miền đất thiêng mà em đã có lần được tham quan: Nghĩa Lĩnh - đất tổ Hùng Vương

  • Bài 103: Kể về một miền đất thiêng mà em đã có lần được tham quan: Nghĩa Lĩnh - đất tổ Hùng Vương trang 1
  • Bài 103: Kể về một miền đất thiêng mà em đã có lần được tham quan: Nghĩa Lĩnh - đất tổ Hùng Vương trang 2
Bài 103
Kể vê' một miền đất thiêng mà em đã có lần được tham quan
Bài làm
Nghĩa Lĩnh - đất Tổ Hùng Vương
Núi Hùng, đền Hùng là linh sơn thắng địa của đất nước ta. Núi Hùng, đền Hùng ở xã Hy Cương, thuộc huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ.
Núi Hùng có nhiều tên gọi: Nghĩa Lĩnh, Nghĩa Cương, Hy Cương, Hy Sơn, Bảo Thiếu Lĩnh, Bảo Thiếu Sơn,... Núi Hùng cao 175 mét. Núi Hùng mang hình tượng đầu rồng rướn mình về phương Nam; mình rồng uốn khúc thành núi Vặn, núi Trọc, núi Phao. Núi Vặn, cao 170 mét; núi Trọc, cao 145 mét. Núi Phao như cái đuôi rồng. Ba đỉnh núi Hùng, núi Trọc, núi Vặn theo truyền thuyết là ba đỉnh Tam sơn cấm địa được dân gian thờ phụng đã lâu đời.
Khu núi Hùng thuộc rừng già nhiệt đới, cây cối rậm rạp xanh tươi, nhiều hoa thơm cỏ lạ, sừng sững cổ thụ gốc to, thân cao, bóng cả như chò, thông, lụ,... chen giữa cây đại, thiên tuế, kim giao thơm lừng, xanh biếc.
Đứng từ xa, từ Phong Châu, Sông Thao, Tam Thanh, Lập Thạch, Tam Đảo,... ta cũng có thể ngắm nhìn núi Hùng hiện ra giữa trời xanh mênh mông, bao la.
Trên đỉnh núi Hùng có đền Thượng. Tục truyền, đây là nơi Hùng Vương thứ 6 lập đàn cầu Trời ban cho thiên tướng đánh đuổi giặc Ân. Sau khi đánh tan lũ giặc cướp, Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt bay về Trời, vua Hùng cho dựng đền thờ vọng trên đỉnh núi; về sau nhân dân đặt thêm bài vị vua Hùng vào thờ cúng. Đền Thượng có tên chữ là Kính Thiên Lĩnh Điện (Điện Cầu Trời); còn một tên khác nữa là Cửu Trùng Tiên Điện (Điện Giữa Chín Tẩng Mây). Trong đền Thượng hiện có bức đại tự sơn son thếp vàng đề Nam Việt Triệu Tổ (Tổ Khai Sáng Nước Nam), có cột đá thề, tương truyền do vua Thục dựng lên với lời nguyền giữ vững cơ đồ non sông do các vua Hùng truyền lại. Gần đền Thượng có lăng Hùng Vương thứ 6, xưa kia là mộ đất có mái đá phủ che, năm 1874 mới xây lại như ngày nay. Vua Lê Hiển Tông (1740 - 1786) từng đến viếng mộ Hùng Vương và đề thơ vào bia đá: Mộ cũ ở lưng đồi / Đền thờ trên sườn núi / Muôn dân tới phụng thờ / Khói hương còn mãi mãi (lược dịch).
Dưới đền Thượng là đền Trung. Tương truyền là nơi các vua Hùng cùng các Lạc hầu, Lạc tướng họp Triều đình bàn quốc sự; là nơi Hoàng tử Lang Liêu dâng bánh chưng bánh dày lên bàn thờ Tiên đế.
Dưới đền Trung là đền Hạ, tương truyền nơi mẹ Âu Cơ sinh bọc trứng trăm người con - dòng giống Rồng Tiên. Gần đền Hạ có chùa Thiên Quang Thiền Tự,
có cây thiên tuế, có giếng Ngọc, nơi công chúa Ngọc Hoa và Tiên Dung từng đến soi gương và chải tóc; nay đã có đền thờ hai nàng ở đó.
Từ đền Hạ lên đến Trung, đền Thượng phải vượt qua, trèo qua hàng trăm bậc đá xây vòng sườn núi, đứng dưới bóng cây chò cổ thụ, đi vòng quanh gốc đại nở hoa trắng phau thơm ngát, thắp một nén nhang, tưởng nhớ công đức của các vua Hùng. Ngắm nhìn phong cảnh núi rừng trùng điệp, phóng mắt về phía xa. Sông Thao, sông Lô, sông Đà, Ngã Ba Hạc mênh mông, cuồn cuộn phù sa đỏ nặng. Tản Viên, Tam Đảo và hàng trăm đồi núi nhấp nhô, trải dài trải rộng như bầy voi chầu về Nghĩa Lĩnh.
Hồn thiêng sông núi là đây. Đất Tổ của con cháu Rồng Tiên là đây:
Dù ai đi ngược về xuôi,
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba.
Khắp miền truyền mãi câu ca,
Núi non vẫn nước non nhà ngàn năm.
Phùng Quang Sơn, 3A
Trường Tiểu học Lập Thạch - Vinh Phúc