Bài 110: Kể lại một miền quê của đất nước thân yêu đã trở thành kí ức tâm hồn em: Quần đảo Bình Trị trong kí ức chị em tôi

  • Bài 110: Kể lại một miền quê của đất nước thân yêu đã trở thành kí ức tâm hồn em: Quần đảo Bình Trị trong kí ức chị em tôi trang 1
  • Bài 110: Kể lại một miền quê của đất nước thân yêu đã trở thành kí ức tâm hồn em: Quần đảo Bình Trị trong kí ức chị em tôi trang 2
Bài 110
Kể về một miền quê của đất nước thăn yêu đã trở thành kí ức tâm hồn em
Bài đoc tham khảo
Quần đảo Bình Trị trong kí ức chị em tôi
Được nghỉ lễ 30-4 và 1-5-2011, tôi và em Thành theo má lên miền Tây Nam Bộ. Một chuyến đi xa vô cùng thú vị được đi thăm vườn cò, được đi chơi chợ nổi Phong Điền, chợ nổi Cái Răng, đến viếng lăng Thoại Ngọc Hầu,... Thú vị nhất là đến thăm quần đảo Bình Trị.
Ba mẹ con cùng nhiều du khách khởi hành từ 7 giờ sáng. Xuất phát từ bến thuyền Chùa Hang đối diện hòn Phụ Tử (thuộc Kiên Lương, Kiên Giang) chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá quần đảo Bình Trị (còn gọi là quần đảo Bà Lụa) với nhiều hòn đảo còn nguyên sơ ở vùng biển Tây Nam Tổ quốc.
Quần đảo Bình Trị có gần năm đảo đá vôi lớn, nhỏ, độ cao trung bình trên, dưới 100 m. Đảo lô nhô ngoài khơi, số ít phân tán rải rác ở vùng biển cạn Kiên Lương, lâu ngày đất bồi thành núi ở trên đất liền. Trong đó, hang Mo So, hang Cá Sấu, hang Tiền, ba hòn Đầm (Đầm Giếng, Đầm Đước, Đầm Dương),...
Từ nhỏ đến giờ, hai chị em tôi chỉ quanh quẩn trong mái nhà nhỏ bé của gia đình, trong bốn bức tường vôi của lóp học,... lần này, cảm thấy háo hức như cánh chim non được sổ lồng, bay cao, bay xa.
Chiều tàn chạy dọc bãi Hằng Dương rồi lướt đến hòn Kiến Vàng, hòn Trẹm, cảng hòn Chông,... cuối cùng bay tới hòn Rễ Nhỏ - hai đảo đá tựa hai pháo đài trấn giữ quần đảo.
Biển trời xanh biếc bao la. Thỉnh thoảng lại thấy dải mây trắng, tưởng là hòn Kiến Vằng, hòn Đầm Giếng, thắt khăn lụa làm duyên. Tàu lướt nhẹ trên sóng, mặt biển xanh ngăn ngắt, chim trời như thoi ngọc dệt biển, xa xa lấp loáng những bờ cát trắng tinh, những hàng cây thốt nốt xoè tán xanh thẫm. Những núi đá thoạt nhìn như đám cây rừng trôi bồng bềnh về vịnh Thái Lan, đến gần mới thấy thiên hình vạn trạng. Mưa gió, sóng biển... qua hàng nghìn, hàng vạn năm đã xâm thực vào lòng núi, tạo nên nhiều hang nhiều ngóc ngách huyền ảo, kỳ bí. Chú lính hải quân trẻ mãng kể cho hai cháu nghe bao truyền thuyết, bao sự tích li kì về đảo gần, đảo xa.
Thích nhất là được đổ bộ lên hang Tiền, động đá có chiều dài gần 200 m, xuyên hẳn qua lòng núi, mở ra hai cửa theo trục tây nam - đông bắc. Vòm hang có đoạn mở rộng hơn 10 m, càng vào sâu càng mát lạnh, tiếng gió lồng lộng, gió reo như khúc nhạc trầm hùng của thần Núi. Thạch nhũ đủ hình dáng, màu sắc long lanh như Tiên ông uống rượu, như Tiên nga múa hát, như quái vật đang giao tranh, như hoa sen bừng nở, như đàn trâu đang quần nhau với mãnh hổ, như gà vàng vỗ cánh gáy vang...
Khách du lịch vào hang Tiền theo cửa hang tây nam, lúc rời hang theo cửa đông bắc, để đến với bãi tắm yên ả, xanh màu ngọc bích. Hai chị em vừa bơi vừa dò con sóng, xa bờ gần 100 m mà nước chỉ tới ngực. Em Thành nói với má: “Hang Tiền và bãi tắm là cõi thần tiên... má à! Ngày kia, ba mẹ con hãy về...”. Má chỉ mỉm cười.
Cảnh biển trời mênh mông bao la. Những rặng dừa cao vút, những vườn me cổ thụ xanh um soi bóng xuống bãi tắm đầy cát sỏi trắng phau, mịn màng. Nhiều bà con, phần đông là các chị, các em nhỏ đi cào nghêu, bắt ốc, bắt ghẹ... lom khom đi lại trên bãi cát lúc triều xuống.
Cảnh biển chiều tà vàng ối với muôn ngàn cánh cò trắng xếp hàng bay làm cho cảnh quần đảo Bình Trị thêm yên bình. Đêm đến, nằm trên võng, ngắm bầu trời đầy sao nghe tiếng sóng vỗ, má và hai con chìm sâu vào giấc ngủ êm đềm.
Ánh lửa hồng bập bùng trên bãi cát, mảnh trăng treo trên hòn Chông, mặt trời rạng đông như cái nong vàng nhô lên sau hòn Rễ Lớn, hòn Rễ Nhỏ, và hàng trăm con thuyền của ngư dân,... đã trở thành ký ức của hai chị em tôi. Trên đường trở lại quê nhà, lòng tôi xao xuyến và bâng khuâng lạ.
Kiên Giang, 1-5-2011
Nguyễn Thị Thanh Nga
Trường THCS Hương Khê - Hà Tỉnh