Bài 107: Kể lại một lần em đi chợ quê

  • Bài 107: Kể lại một lần em đi chợ quê trang 1
  • Bài 107: Kể lại một lần em đi chợ quê trang 2
Bài 107
Kể lại một lần em đi chợ quê
Bài làm
Chợ họp một tháng sáu phiên vào các ngày: 4, 8, 14, 18, 24, 28 (Âm lịch). Khu đất họp chợ rộng trên 1.000 m2, cao ráo; gần đấy có cái đình cổ, có nhiều cây xanh cổ thụ. Có ban quản lý năm người, có người dọn vệ sinh, nên khu chợ khá sạch và trật tự, an toàn. Không có nạn cờ bạc, móc túi và gây rối.
Chợ có ba khu chính: khu bán nông, thổ sản, khu bán trâu bò, khu bán hàng tạp hoá, công nghệ phẩm. Cũng có nhiều hàng quà, hàng ăn đặc sản.
Chợ họp từ sáng sớm đến xế chiều thì vãn rồi dần tan. Có hàng trăm, hàng nghìn người mua bán, đông vui, ồn ào, náo nhiệt.
Khu vực bán nông sản có đủ thứ: gạo nếp, dự, tám thơm... chất đầy trong các thúng. Cam, quýt đỏ chót, vàng tươi. Chuối bán cả buồng, trái to bằng bắp tay em bé bụ bẫm. Khoai lang, khoai vạc, củ từ, củ sắn bày la liệt ngồn ngộn trên đất.
Gà, vịt, ngan, ngỗng, chó, mèo... muốn mua bao nhiêu cũng có. Rau xanh bao la: bắp cải tròn to, su hào, súp lơ xanh rờn, ngọt ngào. Toàn là rau tươi, rau sạch.
Khu bán trâu bò, người và gia súc đứng lố nhố. Có những con nghé, con bê ngơ ngác, hiền lành. Có cảnh người mua bắt trâu, bò há mõm để xem răng. Mấy chú ngựa gõ móng lộp cộp, chốc chốc lại cất tiếng hí.
Khu bán tạp hoá, bán hàng công nghệ phẩm, nhiều nhất là chăn màn, áo quần và đồ chơi trẻ con, phần lớn là hàng Trung Quốc.
Tôi theo mẹ đi dạo khắp chợ. Có bao cảnh, bao người đầy ấn tượng. Hàng nông phẩm, hàng quà là phong phú nhất. Quán thịt cầy bảy món, quán lòng lợn tiết canh, quán phở... là ồn ào nhất, nhộn nhịp nhất. Hình ảnh khách nhậu, mặt đỏ gay, áo phanh ngực, vừa cầm chén rượu, vừa nhai nhổm nhoàm... trông thật vui, thật ngộ nghĩnh. Các tửu đồ uống nhiều còn nói líu cả lưỡi.
Trên đường về nhà bà ngoại, mẹ nói: “Hàng hoá bày bán trên chợ cho thấy nòng thôn đổi mới nhiều, đời sống nông dân khấm khá lên. Người bán, kẻ mua rất thân thiện, chất phác. Chợ quê đông quá, vui quá, hàng hoá nhiều và rẻ... Con thấy thế nào?”.
Tục ngữ có câu: “Đi một buổi chợ, học một rớ khôn”. “Rớ” là cái rá, đan bằng tre, nứa. Càng nghĩ càng thấy thấm thìa.
Trần Đức Bình, 3D
Trường Tiểu học Phương Liên - Hà Nội