Bài 37: Kể lại một lễ hội dân gian: Chọi trâu ở Đồ Sơn

  • Bài 37: Kể lại một lễ hội dân gian: Chọi trâu ở Đồ Sơn trang 1
  • Bài 37: Kể lại một lễ hội dân gian: Chọi trâu ở Đồ Sơn trang 2
Bài 37
Kể lại một lễ hội dân gian
Bài làm
Chọi trâu ở Đồ Sơn
Nhiều bô lão ở Bát vạn, Đồ Sơn cho biết lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn đã có hơn ba trăm năm về trước. Trên miền Bắc lễ hội “đấu ngưu” (chọi trâu) từng diễn ra ở một số nơi như ở Phù Ninh (tỉnh Phú Thọ), ở Bạch Lưu Hạ (Vĩnh Phúc), ở Vũ Lăng (Tiền Hải, Thái Bình),... nhưng chỉ có lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn là đông vui nhất, rầm rộ nhất. Bài ca này đến nay vẫn lưu truyền:
Dù ai buôn đâu, bán đâu,
Mùng chín tháng tám chọi trâu thì về.
Dù ai buôn bán trăm nghề,
Tháng tám mùng chín nhớ về chọi trâu.
Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được tổ chức thành hai vòng: mùng 8 tháng 6 (âm lịch) thì đấu loại; mùng 9 tháng 8 (âm lịch) chọi trâu chung kết, trao giải Nhất, Nhì, Ba.
Bát vạn Đồ Sơn nghĩa là tám làng chài ở Đồ Sơn, gồm có: Vạn Lẻ, Vạn Lê, Vạn Ngang, Vạn Tác, Vạn Thốc, Vạn Bún, Vạn Hương, Vạn Hoa. Trước kia, đến lễ chọi trâu, mỗi làng chài có thể đưa từ hai đến bốn con để tham dự. Những năm sáu mươi, các hợp tác xã nông - ngư nghiệp là đơn vị tham gia chọi trâu. Từ nãm 1990 trở lại đây, ngoài đơn vị phường còn có một số cá nhân cũng tham gia chọi trâu để giật giải. Có năm, vòng đấu loại có hai, ba chục con trâu tham dự.
Có điều rất lạ, năm nào đúng ngày chọi trâu cũng mưa, có năm mưa rất to. Hàng vạn người tứ xứ đã đội mưa kéo về Đồ Sơn dự hội chọi trâu vây kín vòng trong vòng ngoài sới chọi. Trâu chọi được đánh số bằng sơn trắng vào hai bên mông. Những con trâu đen mượt, đôi sừng được chuốt nhọn, cặp mắt cóc tía, mình dài như con mãnh hổ, được chủ trâu dẫn ra sới, theo sau những lá cờ điều, trong tiếng trống chiêng, tiếng loa, tiếng hò reo vang dội cả một vùng trời, vùng biển. Nãm 1994, con trâu ông Đinh Đình Phú biết quỳ xuống, cúi đầu chào hàng vạn khán giả trước khi lao vào tỉ thí. Vừa nhìn thấy địch thủ, có những con trâu phi nước đại tấn công, lại có con nghênh đầu, nghiêng sừng đón đánh. Đầu trâu húc vào nhau đánh “rầm” nghe rợn người, hai cặp sừng gài vào nhau chống đỡ để móc mắt, để khoá cổ, để ghì đối thủ. Đất đai bị cày xới lên tung toé. Tiếng chiêng trống, tiếng reo hò vang dội như làm cho trâu chọi “say máu”. Có con bị gãy sừng, đầm đìa máu. Có con bị chết đứng, ngã lăn quay trên sới như trâu số 15 trong lễ hội chọi trâu năm 1991. Con trâu vốn hiền lành, nhưng khi vào chọi vô cùng dũng mãnh và hung dữ. Có cặp trâu chỉ chọi 2, 3 phút đã phân thắng bại. Có cặp đấu đến nửa giờ, có kháp chọi kéo dài đến gần một giờ. Trâu thua cong đuôi bỏ chạy, trâu thắng vọt lên truy đuổi đến cùng. Các con trâu được giải Nhất, Nhì, Ba trong trận chung kết thường phải vào sới chọi đến hai ba kháp mới giành được chiến thắng.
Trước đây, hội chọi trâu gắn liền với nhiều nghi lễ cúng bái. Miếng thịt trâu sau hội lễ là “lộc trời” với niềm tin thánh thiện: cầu phúc, cầu may, cầu chân cứng đá mềm. Hội chọi trâu là một lễ hội in đậm tính cách thượng võ của những người dân chài miền Bát vạn Đồ Sơn, đậm đà văn hoá dân gian làm náo nức lòng người gần xa: “Mùng chín tháng tám chọi trâu thì về”.