Bài 93: Nghĩ về đất nước thân yêu: Đất chín rồng còn bảy cửa sông

  • Bài 93: Nghĩ về đất nước thân yêu: Đất chín rồng còn bảy cửa sông trang 1
Bài 93
Nghĩ về đất nước thân yêu
Bài tham khảo
Đất chín rồng còn bảy cửa sông
Đồng bằng sông Cửu Long nổi tiếng với chín cửa sông đầy ắp phù sa, vun bồi cho cây xanh, trái ngọt, tạo nên một mạng lưới giao thông thuỷ như mạng nhện. Một ngày nhìn lại, người ta mới sững sờ nhận ra “cửu long” giờ chỉ còn lại 7 con rồng...
Sông Cửu Long còn gọi là sông Mê-kông, dài khoảng 4.800 km, bắt nguồn từ Tây Tạng (Trung Quốc), chảy qua Myanma, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam rồi đổ ra biển Đông. Vào đến Việt Nam, sông Mê-kông chia làm hai nhánh là Tiền Giang và Hậu Giang.
Sông Tiền đổ vào phần giáp ranh giữa huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) và huyện Tân Châu (An Giang). Đến huyện Cai Lậy (Tiền Giang) lại chia thành 4 nhánh sông nhỏ và đổ ra biển bằng 6 cửa, gồm: Sông Mỹ Tho ra biển bằng cửa Tiểu và cửa Đại; sông Ba Lai ra biển bằng cửa Ba Lai; sông Hàm Luông ra biển bằng cửa Hàm Luông, sông cổ Chiên ra biển bằng hai cửa cổ Chiên và Cung Hầu. Lòng sông Tiền rất rộng, nước nhiều phù sa, trên sông có nhiều cù lao tươi tốt, là những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Năm 2000, hệ thống cống đập ở cửa sông Ba Lai được xây dựng, làm cho quá trình bồi lấp xảy ra nhanh hơn, và đến nay (năm 2010) thì cửa sông này ngưng chảy. Cửa sông Ba Lai “chết” rất đáng lo ngại.
Sông Hậu nhỏ hơn sông Tiền, vào Việt Nam từ huyện An Phú (An Giang). Sông Hậu chảy gần như song song với sông Tiền, qua các tỉnh, thành: An Giang, Cần Thơ, Hâu Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, rồi chảy ra biển bằng ba cửa: Định An, Ba Thắc, Tranh Đề. Tuy nhiên vào những năm 1970, cửa Ba Thắc bị bồi lấp và mất hẳn, nên hiện nay chỉ còn hai cửa, nằm ở hai đầu của huyện Cù lao Dung, tỉnh Sóc Trăng.
Thế là đến nay, hai cửa sông Ba Lai và Ba Thắc đã bị khai tử, chỉ còn lại bảy cửa: cửa Tiểu, cửa Đại, cửa Hàm Luống, cửa cổ Chiên, cửa Cung Hầu, cửa Định An và cửa Tranh Đề.
Theo Hữu Danh