Bài 91: Nhớ và kể về con thuyền độc mộc trên sông suối Tây Nguyên

  • Bài 91: Nhớ và kể về con thuyền độc mộc trên sông suối Tây Nguyên trang 1
  • Bài 91: Nhớ và kể về con thuyền độc mộc trên sông suối Tây Nguyên trang 2
Bài 91
Nhớ và kể về con thuyền độc mộc trên sông suối Tây Nguyên
Bài làm
Đến Việt Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên,... ta vẫn thường thấy những con thuyền độc mộc nhỏ xinh như chiếc lá, như cái thoi lướt băng băng trên sông Nậm Hu, trên hồ Ba Bể, trên sông Thu Bồn, trên dòng Pô-cô,...
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy,
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ,
Có nhớ dáng người trên độc mộc,
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa.
(“Tây Tiến”, 1949 - Quang Dũng)
Chắc nhiều người trong chúng ta còn nhớ người anh hùng A Sanh được ngợi ca trong bài hát Người lái đò trên sông Pô-kô thời chống Mỹ.
Con thuyền độc mộc, phương tiện đi lại trên sông suối, là một nét đẹp tượng trưng cho nền văn hoá của các dân tộc miền núi ở nước ta. Ở bảo tàng tỉnh Gia Lai và nhà rông văn hoá huyện la Grai hiện nay còn trưng bày hai con thuyền độc mộc bằng gỗ sao, to và dài hơn hai mươi mét, do già Rahlan Pêng, người làng Nú tạo tác nên.
Chọn được cây gỗ sao giữa đại ngàn ưng ý, nghệ nhân cúng Trời một ghè rượu, một con heo, rồi mới bắt đầu đẽo thuyền. Ngày hạ thuỷ cũng phải cúng Trời bằng những lễ phẩm như thế.
Nghệ nhân dùng Jong (rìu để chặt, để đẽo); dùng Jong kay (như cuốc chim để khoét); dùng Jong xông (để bào nhẵn trong, ngoài). Đục, đẽo, chuốt, bào và hun khói, hong lửa độ 10 ngày, nửa tháng là có con thuyền độc mộc.
Mỗi con thuyền độc mộc, có thể chuyên chở được 5 đến 15 người. Thời chống Mỹ trên các dòng sông, dòng suối ở Tây Nguyên, ta dùng độc mộc để vận chuyển vũ khí, lương thực, thương binh. Trong hoà bình, bà con đôi bờ sông Pô-kô dùng độc mộc để đi lại, để đánh cá; con trai con gái vẫn dùng thuyền độc mộc để hẹn hò.
Con sông Pô-kô hiền hoà, nước trong xanh. Những chiếc thuyền độc mộc thuôn dài, hoặc bồng bềnh trôi, hoặc lao vun vút, trông thật đáng yêu. Trong màn đêm, thuyền chở đầy ánh sao, lung linh như một cái thoi ngọc. Chỉ nghe gió reo và tiếng nước róc rách...
Con thuyền độc mộc là hồn xưa của suối rừng, sông núi, một nét đẹp văn hoá của Tây Nguyên... Ai đã nhìn thấy? Ai có nhớ và còn nhớ?
Nguyễn Đức Toàn, 4B
Trường Tiểu học Tây Sơn - Bình Định