Bài 85: Kể lại một chuyến du lịch mà em nhớ mãi: Ghé chơi Cồn Phụng

  • Bài 85: Kể lại một chuyến du lịch mà em nhớ mãi: Ghé chơi Cồn Phụng trang 1
  • Bài 85: Kể lại một chuyến du lịch mà em nhớ mãi: Ghé chơi Cồn Phụng trang 2
  • Bài 85: Kể lại một chuyến du lịch mà em nhớ mãi: Ghé chơi Cồn Phụng trang 3
Bài 85
Kể lại một chuyến du lịch mà em nhớ mãi
Bài làm
Ghé chơi Cồn Phụng
Bến Tre đã có cây cầu Rạch Miễu hiện đại nối liền hai tỉnh Tiền Giang với Bến Tre. Nhiều khu công nghiệp bắt đầu xuất hiện, nhiều điểm du lịch hấp dẫn vẫy gọi du khách.
Bạn hãy đến thăm thú Cồn Phụng, một cù lao nổi giữa sông Tiền Giang. Và nên đi bằng ghe, bằng xuồng mới thú, mới được len lỏi dọc ngang các rạch nước dưới hàng dừa nước, cây bần, cây mắm xanh biếc, sum suê lá cành, mới được say mê ngắm nhìn những buồng dừa trĩu quả, những chú sóc cong đuôi phất cờ, leo cây nhanh thoăn thoắt.
Đến Cồn Phụng bạn có thể đi thăm các gia đình sản xuất đặc sản địa phương như làm kẹo dừa, mứt dừa, bánh tráng chuối, xem cách nuôi ong lấy mật từ hoa nhãn,... Hãy ngồi xe ngựa đi thăm các ngôi vườn trồng bưởi da xanh, mận sữa, nhãn tiêu Huế,... Hãy đến tham quan Đạo Dừa có tháp Hoà Bình, có Cửu Trùng Đài với hình tượng tuyệt mĩ chín con rồng, hoặc đang xoắn đuôi uốn lượn, hoặc đang vờn bay. Và đi qua các bến sông, các dòng kênh sẽ thấy các bạn nhỏ vẫy vùng bơi lội nô đùa, da đen giòn như những con rái cá...
Xin mời ghé lại những ngôi nhà hàng lợp lá dừa dưới bóng mát cây xanh, thoang thoảng hương hoa để thưởng thức nhạc dờn ca tài tử, nhấp chén trà pha mật ong và quất, ãn trái cây, cùng vui vẻ chuyện trò. Điểm dừng chân nghỉ ngơi ở đây khá thú vị.
Bến Tre là xứ dừa, nơi ghi lại bao chiến công anh hùng thời kháng chiến chống Mỹ. Hãy về thăm thú Cồn Phụng, cầu Rạch Miễu... nơi rừng dừa và cây trái phương Nam, và nghe các má, các cô kể về chiến công của đội quân tóc dài thời kháng chiến chống Mỹ.
Nguyễn Chí Thành,4C
Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu - Long An
Bài làm 2
Vào xứ Thanh xem thành Nhà Hồ
Tôi đã đến cố đô Hoa Lư, đến thăm Vĩnh Lãng nơi thờ Lê Lợi, vị anh hùng của Đại Việt trong thế kỷ XV. Và lần này, tôi đến thăm thành Nhà Hồ vì nghe nói UNESCO đang thẩm định để phong nhận là Di sản Thế giới.
Thành Nhà Hồ được xây dựng tại An Tôn, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá, giữa một vùng núi nhấp nhô và hai con sông Mã, con sông Bưởi như hai con rồng khổng lồ quấn quanh vùng. Một địa thế hiểm trở để chống lại giặc Minh sắp tràn sang xâm lăng.
Thành Nhà Hồ gọi là Tây Đô. Khu thành nội rộng 80 ha, trước đây san sát lầu son gác tía, nay trở thành cánh đồng lúa mênh mông, được bao bọc bởi bốn bức tường đá hùng vĩ có chu vi ngót 3,5 km. Tường thành cao vút, được xây bằng những tấm đá đồ sộ, vuông vức, nặng đến 20 tấn mỗi viên, chồng khít lên nhau. Trải qua hơn 600 năm, toà cổ thành vẫn đứng sừng sững.
Đại Việt sử ký toàn thư ghi rõ: “Thành Nhà Hồ được xây dựng từ tháng Giêng năm 1397, sau 3 tháng mọi việc đã hoàn tất... Sau khi dời đô từ Đông Đô vào Tây Đô, Hồ Quý Ly giết vua Trần Thuận Tông, đoạt lấy ngai vàng từ năm 1400. Năm 1407, giặc Minh sang xâm lược nước ta, cha con Hồ Quý Ly bị giặc bắt, giải sang Tàu. Nước ta bị giặc Minh thống trị, thành Tây Đô trở nên hoang tàn. Nay chí còn mấy cổng thành, dãy tường thành, con rồng đá bị chặt cả đầu lẫn đuôi.”
Dạo khắp thành Tây Đô, không hiểu vì sao tôi cứ bị ám ảnh bởi câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan trong bài Thăng Long thành hoài cổ: “Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt/ Nước còn cau mặt với tang thương”.
Cơ nghiệp đế vương của cha con Hồ Quý Ly chỉ tồn tại được bảy năm. Đứng ngắm nhìn thành cổ Nhà Hồ, ta càng thấy rõ có thành trì nào vững chắc bằng lòng dân? Đúng như Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng nói: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo”.
Cái chiêu bài: “Phù Trần, diệt Hồ” của quân Minh thật cực kỳ xảo quyệt và tàn bạo! Thành Nhà Hồ là chứng tích đau thương của lịch sử, cũng là bài học xương máu của dân tộc ta.
Nguyễn Tú Quỳnh, 4B
Trường Tiểu học Hoa Lư - Ninh Bình