Bài 82: Giới thiệu một địa chỉ văn hoá ở vùng quê: Trác Bút, làng phóng điểu

  • Bài 82: Giới thiệu một địa chỉ văn hoá ở vùng quê: Trác Bút, làng phóng điểu trang 1
  • Bài 82: Giới thiệu một địa chỉ văn hoá ở vùng quê: Trác Bút, làng phóng điểu trang 2
Bài 82
Giới thiệu một địa chỉ văn hoá ở vùng quê
Bài làm
Trác Bút, làng phóng điểu
Không ở đâu nuôi nhiều chim bồ câu như ở thôn Trác Bút, thị trấn Chờ, thuộc huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Hầu như gia đình nào cũng nuôi bồ câu, ba bốn chục con; nuôi để giết thịt, nuôi để thi thả chim.
Làng Trác Bút có nhiều người chơi chim và thành lập Hội thả chim. Bà con quanh vùng vẫn gọi Trác Bút là “Làng phóng điểu”.
Hội viên Hội chơi chim, thi thả chim phần lớn là lớp người nhiều tuổi. Ông Mẫn Bá Duy và ông Lê Văn Tiến là hai lão làng, hai ông vua của “làng phóng điểu” Trác Bút.
Ông nào cũng đã có thâm niên hơn 20 năm chơi chim, nay đã vào tuổi cổ lai hy nhưng vẫn say mê, nhiệt tình. Bằng khen, kỷ niệm chương, giấy chứng nhận giải, đồ lưu niệm, cờ,... treo đỏ rực tường nhà, vách nhà. Hai ông đã từng cùng Hội chim Trác Bút mang quân đến Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội, ... để thi tài. Cả 13 lần xuất quân đều chiến thắng.
Nuôi chim, chơi chim, thi chim phải có nghề. Phải quan sát, theo dõi từng cặp chim. Chuồng phải to, cao, đẹp và thoáng mát, ấm áp, sạch sẽ. Chuồng chim của ông Tiến bằng gỗ với mười lăm ngăn, to đẹp như một cung điện. Gạo tẻ, gạo nếp là nguồn thức ãn chính của chim. Nước cho chim uống phải thật trong, thật sạch. Luyện chim phải qua nhiều tháng, nhiều mùa, qua hàng năm mới ghép thành phi đội, mỗi phi đội tám con hoặc mười con; chim tiên phong đầu đàn, chim cánh tả, chim cánh hữu, chim đoạn hậu,... Tổ chức thật chặt chẽ mới có thể mang quân tướng đi xứ người thi thố.
Chim câu để thi không được quá béo, ngực không đổ về phía trước, mũi khép, cánh dài, đuôi phải thon, lông mượt. Khi cầm lên tay, con chim nào chân quặp lại, đuôi cụp xuống, chắc chắn đó là những con chim bay khoẻ, bay đẹp. Con nào ngực đổ, mũi hở, mỏ thẳng, trán dô sẽ bay kém.
Mỗi năm ở Trác Bút tổ chức thi chim hai lần: vào tháng Tư và tháng Tám âm lịch. Tháng Tư thi đàn mười con, tháng Tám thi đàn tám con. Ngày thi chim phải nắng đẹp, gió nhẹ, trời trong xanh. Tháng Tư và tháng Tám là thời điểm chim cắt vào rừng thay lông, nên rất bình yên.
Ngày hội thi chim, cả dân làng Trác Bút kéo ra đồng, ra bãi để xem, đông vui như ngày hội. Già trẻ, trai gái cùng ngước mắt lên bầu trời xanh, chỉ tay, trầm trồ, bàn tán, đàn chim nào bay cao, đàn chim nào có đội hình bay đẹp,... Giải thưởng chỉ là một vật phẩm tượng trưng, nhưng đầy niềm vui và vinh dự.
Có lần, tôi hỏi ông Lê Văn Tiến:
Tại sao bà con Trác Bút nói: nuôi chim, lấy chim để thi chim là nghĩa như thế nào?.
Nheo mắt cười, ông Tiến nói:
Nghe nói bên châu Âu, người ta không ăn thịt bồ câu. Còn ở ta, ở Trác Bút, bà con vẫn coi bồ câu là một loại gia cầm, một món lợi đấy. Nuôi bồ câu đem ra chợ bán. Nuôi bồ câu để giết thịt. Cái món bồ câu ninh đậu xanh, hạt sen bổ dưỡng lắm. Có nuôi bồ câu, có lấy bồ câu mới có kinh phí, mới có điều kiện thi thả chim, thành lập Hội thả chim... Mùa thi Cao đẳng, Đại học năm nào các bà, các mẹ vẫn hầm bồ câu hạt sen bồi dưỡng cho con, cho cháu ôn thi đấy!
Bầu trời “làng phóng điểu” Trác Bút “cao ngất mấy từng xanh”. Bồ câu bay lượn trông thật yên vui thanh bình.
Nguyễn Thị Huyền Tâm, 4A
Trường Tiểu học Lý Công uẩn - Bắc Ninh