Bài 96: Ghi lại một nét đẹp của miền Trung mà em cảm nhận được: Hội An phố cổ

  • Bài 96: Ghi lại một nét đẹp của miền Trung mà em cảm nhận được: Hội An phố cổ trang 1
  • Bài 96: Ghi lại một nét đẹp của miền Trung mà em cảm nhận được: Hội An phố cổ trang 2
  • Bài 96: Ghi lại một nét đẹp của miền Trung mà em cảm nhận được: Hội An phố cổ trang 3
Bài 96
Ghi lại một nét đẹp của miền Trung mà em cảm nhận được
Bài làm
Hội An phô cổ
Hội An là phố cổ nằm bên bờ sông Hoài (một nhánh của sông Thu Bồn) thuộc Quảng Nam - Đà Nẵng.
Sau hơn 300 năm, trải qua nhiều biến động dữ dội, Hội An vẫn tồn tại và phát triển, từ thập kỉ 80 của thế kỉ XX, đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng của con đường di sản miền Trung. Những thương nhân Trung Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Anh, Pháp,... đã từng đến đây để sinh sống buôn bán, làm ăn. Mái chùa rêu phong, hội quán, sân vườn và ngôi nhà cổ, ngọn đèn lồng, bến nước, câu ca, quán hàng, món ăn... vẫn in dấu đậm đà trong hồn người và dòng chảy thời gian. Hội An bước sang thế kỉ 21, hiền lành, trầm mặc, đáng yêu bên dòng sông Hoài thơ mộng.
Đến với phố cổ Hội An, bạn sẽ ngạc nhiên và thích thú bởi dọc các con đường đều là những căn nhà cổ xưa chuyên kinh doanh những mặt hàng thủ công mỹ nghệ độc đáo. Ớ đây, bạn sẽ bắt gặp cả một dây chuyền làm lồng đèn, chuyên may mặc, một dãy khác chuyên nghề chạm khắc... đáng chú ý là những cửa hàng bày bán các loại đèn lồng làm kỉ niệm. Đủ loại dáng hình, màu sắc. Tuỳ theo chất liệu vải bọc ngoài mà ngọn đèn mang những màu ánh sáng khác nhau. Có thể là màu đỏ may mắn, màu vàng tươi vui, màu xanh ngọt ngào, hay màu tím ưu tư, lung linh huyền ảo trong trời đêm phố cổ.
Điều đặc biệt là ở các cửa tiêm không bao giờ thấy người đứng phía trước chào mời, nài ép khách mua hàng. Không khí phố cổ vì vậy vẫn giữ một sự bình thản lạ kỳ. Khách có thể bước vào cửa tiệm xem hàng, chụp ảnh tự nhiên dù không mua hàng. Người dân nơi đây lúc nào cũng vui vẻ, tươi cười một cách thân thiện và an nhàn đến mức tưởng như đi lạc vào một thế giới khác. Nét đẹp uy nghiêm của nền kiến trúc phương Đông bộc lộ qua những ngôi nhà chạm trổ cầu kì, tinh xảo đã tạo ra bao cảm giác hoài niệm bâng khuâng lạ kì. Ta tưởng như được trở lại thời quá khứ với một thế giới gói mình thầm lặng trong khung cảnh yên bình.
Hội An có nhiều căn nhà gỗ mà ở đấy, dấu ấn người xưa còn hằn rõ, mặc cho rêu phong thời gian đã phủ dày trên mái ngói. Điều ngạc nhiên là các ngôi nhà cổ ở Hội An đều được cấu trúc đa dạng về tổ chức không gian cũng như nghệ thuật trang trí, bài trí sân vườn. Ở đấy, bạn dễ dàng đựợc chiêm ngưỡng ngôi nhà rường với mái vỏ cua (còn gọi là mái thừa lưu), hơn 20 ngôi chùa hội tụ trên nền kiến trúc Á Đông (Trung Hoa, Nhật Bản). Chẳng hạn như chùa Phúc Kiến (Mẫn Thương hội quán có từ năm 1687), chùa Ngũ Bang (Dương Thương hội quán), chùa Quảng Triệu (Quảng Đông hội quán), chùa Hải Nam (Quỳnh Phủ hội quán) và chùa Ông Bổn (Triều Châu hội quán) xây suốt 40 năm mới hoàn thành (1845 - 1885).
Điểm độc đáo tôn thêm giá trị văn hoá cho Hội An là hình ảnh những thiếu nữ dịu dàng trong tà áo dài cổ truyền. Các cô thường cặm cụi làm việc trong những căn nhà cổ để tạo ra những sản phẩm giới thiệu cảnh sắc đôi bờ sông Hoài với du khách gần xa. Hình ảnh người con gái dịu dàng ngồi thêu bên ngọn đèn lồng đêm hội chắc hẳn sẽ tạo nên nhiều quyến rũ đầy thú vị. Rồi những giọng ca bài chòi, hò khoan, giã gạo... vẳng lên từ con thuyền dưới bến sông, dưới mái hiên, nơi đầu phố... đêm trăng sẽ tạo ra sức cuốn hút kì lạ mà những ai đã một lần đến đây sẽ không thể nào quên.
Ngày 14 âm lịch hằng tháng, phố cổ Hội An lại trở về với tập quán của hơn 300 năm trước - khu phố cổ nằm trong giới hạn của bốn con đường Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Lê Lợi, Bạch Đằng đồng loạt treo trước hiên nhà những ngọn đèn lồng huyền ảo thay cho ánh điện. Người dân mang bút nghiên, bàn cờ tướng, đàn sáo ra sinh hoạt trước cửa nhà. Các con đường rộn ràng điệu múa lời ca. Xa xa là những ngọn đèn lồng thả dưới sông Thu Bồn và các con thuyền khua mái chèo yên ả.
Không nghiêm trang như Huế, không hoang sơ, bí hiểm như Mỹ Sơn, phố cổ Hội An êm đềm ngàn đời đứng bên dòng sông Hoài hiền hoà. Đây là cái nôi văn hoá dân dã với một hê thống chùa, miếu đậm đà và phong phú. Kế đó là những lễ hội như Lễ hội cầu Bông (cầu mưa), Nguyên đán, Nguyên tiêu, Vía Bà (Thiên Hậu), Vía Ông (Quan Thánh), Long Chu, tế cá Ông, cầu Ngư... chắc hẳn phố cổ sẽ tạo cho du khách một ấn tượng không thể quên về một miền quê thanh bình, yên vui.
Nhật Lan
Theo Nhịp sống Trẻ - Phụ san báo Nông nghiệp Việt Nam sô' 9/2008