Bài 63: Kể lại một truyện ngụ ngôn hay, giàu ý nghĩa: Đại bàng và Gà

  • Bài 63: Kể lại một truyện ngụ ngôn hay, giàu ý nghĩa: Đại bàng và Gà trang 1
  • Bài 63: Kể lại một truyện ngụ ngôn hay, giàu ý nghĩa: Đại bàng và Gà trang 2
  • Bài 63: Kể lại một truyện ngụ ngôn hay, giàu ý nghĩa: Đại bàng và Gà trang 3
Bài 63
Kể lại một truyện ngụ ngôn hay, giàu ý nghĩa
Bài làm 1
Đại bàng và Gà
Ngày xửa ngày xưa, trên ngọn cây cổ thụ cao vút bên sườn núi của ngọn núi chọc trời có một tổ chim đại bàng. Trong tổ có bốn quả trứng thật to. Thế rồi, một trận động đất dữ dội đã xảy ra làm rung chuyển ngọn núi, rừng cây. Một quả trứng đại bàng rơi xuống và lăn vào một trại gà dưới chân núi. Một con gà mái xoè đôi cánh rộng ấp quả trứng ấy.
Sau một thời gian khá dài, trứng nở ra một chú đại bàng con rất xinh. Nhưng nó được nuôi và chăm sóc như một chú gà con bình thường. Chẳng bao lâu sau, đại bàng vẫn đinh ninh mình cũng chỉ là một con gà trong đàn gà. Đại bàng yêu gia đình và ngôi nhà thân yêu mình đang ở, từng nghe tiếng gáy và tiếng cục tác của đàn gà, nhưng tâm hồn nó vẫn khao khát một điều gì cao xa hơn. Cho đến một ngày, khi đang nhởn nhơ chơi đùa trong sân, bỗng chú đại bàng nhìn lên và thấy những con đại bàng đang sải cánh vút bay giữa bầu trời cao xanh bao la. Đại bàng thốt lên: “Ôi! Ước gì tôi cũng có thể bay lên và vùng vẫy như những con chim đó!...”. Bầy gà cười ầm lên, cùng nói: “Anh đừng có ảo tưởng! Tội nghiệp thân anh. Anh chỉ là một con gà trong đàn gà như chúng tôi mà thôi. Anh không thể bay cao, bay xa được đâu!”. Đại bàng tiếp tục ngước nhìn gia đình thật sự của nó, mơ ước có thể tung cánh bay cao bay xa như anh chị em mình. Mỗi lần đại bàng nói lên mơ ước của mình, bầy gà lại bảo với nó là điều ấy không thể xảy ra. Điều này khiến đại bàng tin là thật. Rồi đại bàng không mơ ước nữa. Chú ta sống như một con gà trong đàn gà. Cuối cùng, sau một thời gian dài sống làm gà, đại bàng chết trong âm thầm lặng lẽ.
Trong cuộc sống cũng vậy. Nếu bạn tin rằng, bạn chỉ là một con người tầm thường, thì bạn sẽ sống một cuộc đời tầm thường, nhạt nhẽo, vô vị, trôi theo dòng đời với tâm lí an phân thủ thường. Vậy, nếu bạn từng mơ ước trở thành đại bàng thì hãy nuôi dưỡng và quyết tâm đeo đuổi ước mơ đó... đừng sống như gà - con gà cồ quanh quẩn cối xay!
Nguyễn Kiên Giang, 4A
Trường Tiểu học Kim Đồng - Hà Nôi
Bài làm 2
Món lưỡi
Một hôm học giả Xãng-tuýt sai tên nô lệ Ê-dốp ra chợ mua một thứ gì ngon nhất và chỉ mua một thứ ấy thôi, để đãi đằng mấy nhà hiền triết - mấy ông bạn thân quý. Trên đường ra chợ, Ê-dốp tự nhủ: “Ta sẽ dạy cho y biết là phải nói rõ ràng mình muốn gì, chứ không nên ỷ lại vào một tên nô lệ như thế!”.
Ê-dốp vào chợ và chỉ mua độc lưỡi, đem về nhà chế biến đủ món ăn lưỡi. Nào là món “khai vị”, món “tiếp dẫn”, món “xào nấu”, “ninh rang”, thơm ngon mặn ngọt... toàn là món lưỡi.
Lúc đầu, cả chủ lẫn khách đều tấm tắc khen ngon. Cuối bữa, họ chán ngấy ra, rồi thi nhau chê bai, bình phẩm, bổ báng.
Ông chủ nghiêm giọng quở trách:
Không phải ta đã bảo nhà ngươi là mua thứ gì ngon nhất hay sao?.
Ê-dốp lễ phép thưa:
Thưa ngài học giả kính mến! Hỏi còn gì hơn lưỡi chứ? Lưỡi là mối liên lạc trong đời sống xã hội, là chìa khoá mở cửa xã hội, là cơ quan phát ra chân lí và lẽ phải. Nhờ có lưỡi, người ta mới kiến thiết được đô thị và cai quản nó; có lưỡi mới giáo dục được người, thuyết phục người và ngự trị trong các hội nghị. Có lưỡi mới làm tròn nghĩa vụ đầu tiên của mỗi người là chúc tụng thần linh...
Suy ngẫm một lát, nhà học giả phán:
Thế thì đến ngày mai, nhà ngươi hãy mua thứ gì dở nhất đem về cho ta! Ngày mai cũng sẽ có những vị khách cao quý ấy, và ta muốn đổi vị!
Ngày hôm sau, tên nô lệ cũng chỉ chế biến và dọn ra một số món ăn xào nấu bằng lưỡi. Hắn lễ phép thưa:
Lưỡi là mẹ đẻ của mọi mối bất hoà, mẹ nuôi của mọi vụ kiện tụng, là nguồn gốc của chia rẽ và chiến tranh. Nếu bảo lưỡi là cơ quan phát ra chân lí thì lưỡi cũng là cơ quan phát ra sai lầm và còn tồi tệ hơn, phát Ta vu khống. Bằng lưỡi, người ta phá huỷ đô thị và xúi giục những điều độc ác. Lưỡi ca ngợi thần linh, nhưng lưỡi cũng báng bổ quyền lực của thần linh.
Nhiều vị khách quý ngồi quanh bàn tiệc vừa lắng nghe Ê-dốp nói, vừa gật gù, mỉm cười. Có vị nói với Xãng-tuýt là Ê-dốp quả cần thiết cho nhà học giả vì Ê-dốp luyện tính kiên nhẫn cho ông.
Qua mẩu truyện ngụ ngôn “Món lưỡi”, ta càng thấy rõ tài hùng biện của tên nô lệ Ê-dốp. Nó không chỉ cho ta thấy rõ yếu tố nghị luận tạo nên chất trí tuệ của câu chuyện kể mà còn là triết lí mà nhân dân ta đã đúc kết qua câu tục ngữ “Lưỡi không xương trăm đường lắt léo”.
Lê Phước Hà, 4A
Trường Tiểu học Tây Sơn - Bình Đinh
Kể theo Truyện ngụ ngôn E-dốp