Bài 59: Kể lại truyện “Ngựa tranh”

  • Bài 59: Kể lại truyện “Ngựa tranh” trang 1
Bài 59
Kể lại truyện “Ngựa tranh ”
Bài đoc tham khảo
Thôi Sinh ở Lâm Thanh, thuộc Sơn Đông, cửa nhà sa sút, vườn tược bỏ hoang, tường rào lở đổ. Mỗi buổi sáng, thường thấy một con ngựa ô, có vằn trắng, đuôi ngựa bị lửa đốt sém một đoạn, nằm trong đám cỏ đẫm sương ở vườn sau nhà. Đuổi, lại thấy đến. Cũng không biết ngựa từ đâu tới.
Sinh có một người bạn thân làm quan ở đất Tấn, thuộc tỉnh Sơn Tây, lâu nay muốn đi thăm, khổ không có ngựa xe, không tiền. Bèn dắt ngựa, đóng yên cương vào, lên đường. Trước khi đi, còn cẩn thận dặn người nhà: "Có người đến tìm ngựa, thì nói ta mượn ít lâu!".
Ngựa chạy rất nhanh, nháy mắt đã được trăm dặm. Đêm nghỉ không chịu ăn cỏ, ăn đậu gì cả. Như có vẻ ốm. Sáng ra, đóng yên cương xong, chưa kịp ra roi đã hí vang, bốn vó lại khua nhịp nhàng. Bọt mép sùi, phi nhanh chẳng kém gì hôm qua. Cứ để cho ngựa mặc sức, quá trưa đã tới...
Sinh cưỡi ngựa đi vào phố đông. Không ai là không tấm tắc khen. Đến nỗi vị Vương ngồi cai quản đất Tấn cũng nghe biết, muốn trả giá cao để có. Sinh sợ người chủ ngựa đòi, kiếm cớ không dám bán.
Ớ nửa năm, không thấy người nhà nhắn gửi gì, Sinh bèn bán ngựa cho Tấn Vương, lấy 800 đồng vàng. Ra chợ, mua một con la khoẻ, trở về.
Tấn Vương có việc gấp, sai viên hiệu uý cưỡi ngựa này đi Lâm Thanh. Ngựa sổng mất. Theo đến cửa đông nhà Sinh, thì ngựa chạy vọt vào trong nhà láng giềng. Hiệu uý vào theo ngay mà vẫn không thấy ngựa đâu nữa. Quát hỏi chủ nhà họ Tăng. Họ Tăng ú ớ không biết. Nhìn lên tường nhà, treo một bức tranh ngựa của Triệu Tử Ngang, danh hoạ đời Tống. Ngựa trong tranh có màu lông hệt đã đành, mà đuôi cũng bị hương đốt thủng một lỗ... Đến giờ Sinh mới hiểu, con ngựa tuyệt vời đó là con ngựa trong tranh đã thành tinh hiện ra vậy.
Viên hiệu uý không thể nào về phục mệnh Tấn Vương, tìm đủ cách để kiện họ Tăng. Lúc này, từ tiền bán ngựa, Sinh đã có gia tư hàng vạn, bèn xin đem tiền trả cho họ Tăng.
Họ Tăng vô cùng cảm đức của Sinh. Nhưng rốt cuộc, vẫn không rõ nguồn gốc của lòng tốt đó.
Bồ Tùng Linh
Theo Liêu Trai chi dị