Bài 70: Kể lại một kỉ niệm sâu sắc về tình quê, hương quê: Trái bần chua

  • Bài 70: Kể lại một kỉ niệm sâu sắc về tình quê, hương quê: Trái bần chua trang 1
  • Bài 70: Kể lại một kỉ niệm sâu sắc về tình quê, hương quê: Trái bần chua trang 2
Bài 70
Kể lại một kỉ niệm sâu sắc về tình quê, hương quê
Bài làm
Trái bần chua
Thi học kỳ I vừa xong, tôi đạt danh hiệu Học sinh tiên tiến, ba má tôi rất mừng. Được nghỉ Tết dài dài hơn tuần lễ, chú Tư lên chơi, ba má cho tôi được đi theo về Đồng Tháp, “vừa để thăm nội, vừa để anh em chúng nó gặp nhau, không lại trở thành người dưng...”
Nội tôi năm nay đã 70 tuổi. Bốn năm qua tôi chưa được gặp nội. Thằng Tý, thằng Mão, con chú Tư chắc đã lớn lắm rồi... Tôi sung sướng quá, chỉ mong đoạn đường ngắn lại.
Sẩm tối chú Tư và tôi về tới cù lao Bưng. Gặp nội, tôi nhào tới, tôi đưa gói quà vào tay nội. Nước mắt ứa ra, tôi nói: “Ba má cháu gởi biếu nội món quà này và gởi lời chúc nội khoẻ...”.
Thằng Tý và thằng Mão từ ngoài vườn chạy vô, ôm chặt lấy tôi, nói như reo: “Anh Hoàng! Anh Hoàng! Đẹp trai dữ!”. Cả hai đứa đều to cao, da màu nâu bóng, rất khoẻ. Tý đã học lớp 7, Mão đang học lớp 5.
Sáng sớm hôm sau, hai đứa con chú chèo ghe, đưa tôi đi chợ nổi, đi thăm một số chùa chiền quanh vùng. Hai anh em Tý và Mão chèo ghe nhanh thoãn thoắt. Chuyện trên trời dưới biển, chúng đều kể vanh vách. Thằng Mão chỉ một đàn chim bay qua, hỏi tôi:
Anh Hoàng! Đố anh biết chim chi đó?
Con sếu, con giang chứ con chi nữa!
Thằng Tý và thằng Mão phì cười:
Trời ơi! Con cồng cộc mà anh cũng chẳng biết! Người thị thiềng có khác!
Chiếc ghe len lỏi qua một dòng kênh, giữa đôi bờ cây cối xanh um. sắp đến một sóc người Miên, tôi ngạc nhiên khi nhìn những chùm trái cây tròn tròn, vỏ xanh láng bóng, nơi cuống xoè ra ngôi sao sáu cánh, lại có cái chuôi dài dài trắng nõn chìa ra như chiếc trâm ngà xinh xinh. Mắt tròn mắt dẹt, tôi hỏi hai đứa:
Trái chi mà lạ rứa? Xinh đáo để!
Trái bần đó, anh hai ơi!
Ghìm ghe lại, thằng Mão ôm lấy gốc cây, níu lấy cành, vặt một ôm đầy bỏ vào bao. Trái bần chưa chín hẳn, vừa xanh vừa chín, cơm quả chưa thành bột, nhưng mềm, đưa lên mũi ngửi thơm thơm. Vừa chèo ghe, hai đứa con chú vừa cười vừa hát:
Trách ai chẳng khéo lường cân
Đào tiên không bẻ, bẻ trái bần làm chi?.
“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, hai đứa đưa tôi đi xem chợ nổi, đi xem vườn chim. Tôi nhìn tận mắt những con chim lạ, cặp cánh to và dài, đôi chân cao, cái mỏ như cái kìm mạ bạc, những lồng rắn hổ có con to bằng bắp chân người lớn, những con rùa bỏ đầy một cái chậu nhựa. Rau trái nhiều quá, ngan, ngỗng, vịt... bày bán trên các khoang thuyền. Chẳng thấy ai mua bán trái bần chua. Sợ hai đứa con chú cười, nên tôi không dám hỏi.
Bữa tối hôm đó, thím Tư đãi đứa cháu nơi phố thị một bữa cơm cây nhà lá vườn. Một đĩa to đầy thịt vịt xiêm thơm ngào ngạt. Một bát cá bống kho tộ đậm đà, lạ miệng, nhưng ngon miệng nhất đối với tôi là được thưởng thức món canh chua bần cá lóc ăn với bông so đũa, bông súng, chuối hột, món bần xanh lát mỏng chấm mắm cá linh. Cái vị ngọt thơm thanh thanh của bát canh chua bẩn cá lóc, cái mùi thơm nồng của bông so đũa... trở thành kỉ niệm sâu sắc về tình quê, hương quê được tôi mang về miền Trung.
Một tuần lễ trôi qua nhanh. Trước khi lên xe đò trở về quê, tôi bịn rịn ôm lấy nội. Thằng Tý, thằng Mão tiễn tôi đi một đoạn đường dài. Dọc đường, tôi nhìn cây bần chua lúc lỉu quả, lá reo trong gió sớm. Tôi khẽ thốt lên: “Chào cù lao Bưng! Chào cây trái bần chua! Hẹn gặp lại nhé!”
Trần Thái Hoàng
Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương
Thừa Thiên - Huế