Bài 95: Sông Hồng của đất nước tôi, quê hương tôi

  • Bài 95: Sông Hồng của đất nước tôi, quê hương tôi trang 1
Bài 95
Bài tham khảo
Sông Hồng của đất nước tôi, quê hương tôi
Sông Hồng có nhiều tên gọi khác nhau. Phần chảy trên đất Trung Hoa gọi là Nguyên Giang, Lê Xã Giang. Phần chảy trên đất Việt có tên gọi là sông Hồng, sông Cái. Nhưng khi chảy qua ngã ba Bạch Hạc - Việt Trì thì được gọi là sông Thao: “Sông Thao nao nức sóng dồi/ Ai về Hà Nội thì xuôi cùng thuyền” (thơ Tố Hữu). Khi xuôi đến Thăng Long, Hà Nội, sông Hồng uốn dòng như hình vành tai ôm ấp lấy kinh thành cổ thì có tên là Nhĩ Hà hay Nhị Hà. Và thành phố Thăng Long xưa, sau này mang tên Hà Nội - thành phố trong sông, cũng là vì thế.
Sông Hồng - sông Cái có nhiều nhánh như sông Đà, sông Lô, sông Chảy, sông Gâm. Phân lưu phía tả ngạn có sông Đuống, sông Luộc. Phía hữu ngạn có sông Đáy, sông Ninh Cơ... Tất cả nối với nhau tạo nên một hệ thống sông dày đặc, bền bỉ suốt ngàn vạn năm chở nước ngọt và phù sa bồi đắp nên một đồng bằng Bắc Bộ trù phú và giàu có.
Nhân dân ta gọi sông Hồng là “Mẹ”, bởi đó là cuộc sống, là tình yêu và sự no đủ. Những con sông quê đem nước mát tưới tắm cho con người, cho mảnh đất màu mỡ xanh bát ngát, thẳng cánh cò bay. Con gái đôi bờ sông Hồng, uống nước sông, tắm nước sông mà có làn da trắng mịn như trứng gà bóc, có mái tóc mây, có giọng nói mượt mà, đằm thắm để cất lên những làn điệu chèo làm nghiêng ngả sân đình và say đắm lòng người, hay những câu ca quan họ da diết mà tình tứ “Người ơi... Người ơi!...” lưu luyến người đi! Thành phố của tôi hình thành nên cũng chính dòng sông Mẹ ấy.
Phạm Thanh Tùng Theo Thành phố và dòng sông