Bài 106: Chùa Thiên Mụ

  • Bài 106: Chùa Thiên Mụ trang 1
  • Bài 106: Chùa Thiên Mụ trang 2
Bài 106
Bài đoc tham khảo
Chùa Thiên Mụ
Huế có chín mươi chín ngôi chùa, cổ kính nhất, nổi tiếng nhất là chùa Thiên Mụ (Bà Trời). Chuyện xưa kể lại, Nguyễn Hoàng, người sáng lập triều Nguyễn, từ Thanh Hoá vào miền Trung tìm nơi đóng thủ phủ. Khi ông đi qua một ngọn đồi bên bờ Hương Giang thì gặp một bà cụ già mặc quần áo trắng, thắt lưng điều, trao cho ông một nén nhang cháy dở. Bà cụ bảo: “Người hãy cầm nén hương này mà đi, bao giờ hương tắt thì đó là nơi đóng đô”. Nguyễn Hoàng làm theo lời bà cụ, quả nhiên vừa bước tới một quả đồi thoai thoải như một con rùa đang thò đầu xuống bến để uống nước sông Hương. Ngọn đồi ấy được đặt tên là Thiên Mụ Sơn (núi Bà Trời). Năm 1601, chùa được xây dựng đặt tên là chùa Thiên Mụ.
Năm 1710, chúa Nguyễn cho đúc Đại Hồng Chung. Chuông cao 2,5 m, đường kính 1,4 m, nặng 2.052 kg, có tám hoa văn chữ Thọ và hình ảnh long, vân, tinh, nhật. Hơn ba thế kỉ qua, tiếng chuông chùa Thiên Mụ vẫn ngân buông sớm sớm chiều chiều như tiếng vàng, tiếng ngọc, đứng xa hàng chục dậm vẫn nghe thấy.
Năm 1844, xây thêm tháp Phước Duyên. Tháp hình bát giác, cao 7 tầng, 21 m nhô lên giữa trời xanh. Buổi chiều tà hay đêm trăng, tháp soi bóng xuống dòng sông Hương lấp lánh.
Chùa Thiên Mụ có một tấm bia đá đồ sộ, được đựng và khắc dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu vào nãm 1715. Bia đá cao 2,6 m, rộng 1,25 m, dựng trên lưng một con rùa đá cẩm thạch dài 2,2 m, rộng 1,6 m được chạm khắc uyển chuyển, tinh xảo. Con rùa như đang lắng nghe và bò xuống bên sông.
Trải qua nhiều thời loạn lạc, binh hoả và thiên tai (trận bão lớn năm 1904), chùa Thiên Mụ có lúc bị tàn phá nặng nề, nhưng nhiều lần được trùng tu và xây dựng thêm uy nghiêm, tráng lệ.
Tháp Phước Duyên, đình Hương Nguyện, Đại Hồng Chung, điện Đại Hùng, tượng Phật Di Lặc, bia đá,... đã làm cho chùa Thiên Mụ trở thành một danh lam thắng cảnh của cố đô Huế, của đất nước ta.
Tạ Văn Thành
Trích Đất nước giàu đẹp